pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các cấp
Tập huấn truyền thông về bình đẳng giới, lồng ghép giới cho cán bộ cấp huyện, xã ở Hòa Bình. Ảnh: Quang Huy
Hỏi
Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tham gia thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể gì?
Nguyễn Hoàng Thanh (A Lưới, Thừa Thiên Huế)
Trả lời
Ngày 8/8/2023, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam ra Quyết định số 2441/QĐ-ĐCT ban hành Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 – 2025 định hướng đến năm 2030.
Chiến lược đặt ra mục tiêu: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và tăng cường trách nhiệm lồng ghép giới cho các cơ quan, ban ngành trong thực hiện các dự án và tiểu dự án được giao thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các cơ quan, ban ngành các cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) tham gia thực hiện các dự án và tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có mục tiêu có kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, kỹ năng phân tích giới và kỹ năng lồng ghép giới. Đồng thời, các cơ quan ban ngành hiểu rõ về trách nhiệm lồng ghép giới khi thực hiện các dự án và tiểu dự án được giao trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chỉ tiêu đến năm 2025 như sau:
+ Khoảng 40.000 lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các sở ban ngành, cơ quan các cấp (tỉnh, huyện và xã) tham gia Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, kỹ năng phân tích giới và lồng ghép giới. Số lượng này được điều chỉnh phù hợp với thực tế địa bàn triển khai và chỉ tiêu của Dự án đặt ra hàng năm.
+ 100% lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các cơ quan ban ngành các cấp (tỉnh, huyện, xã) tham gia thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số.
+ 100 % trưởng thôn, bản địa bàn triển khai Dự án 8 được nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới và được hướng dẫn lồng ghép giới trong các hoạt động cộng đồng tại thôn, bản.
Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Đây là mục tiêu được nêu trong điều 4 Luật Bình đẳng giới nhằm hướng tới bình đẳng giới thực chất. Truyền thông được xác định là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.