Từ cảng Sa Kỳ ra tới Lý Sơn khoảng 15 hải lý, nếu thời tiết thuận lợi, sóng yên biển lặng chỉ mất khoảng hơn một giờ đồng hồ. Song, hôm chúng tôi ra với đảo vào những ngày đầu xuân năm mới, biển động, những con sóng, tung bọt trắng xóa, đẩy con tàu đưa chúng tôi ra đảo lao lên rớt xuống, nghiêng trái, ngã phải, nước biển tràn khắp boong.
Nhiều lần đến với Lý Sơn, nhưng lần nào ra đảo tôi cũng cảm nhận sự thay đổi nơi đây. Có được kết quả này một phần nhờ bà con nơi đảm xa đã tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Trần Văn Nam hồ hởi khoe: Những năm trước đây, đời sống của người dân trên đảo còn khó khăn lắm. Tuy nhiên, với việc được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua sắm ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy hải sản… cuộc sống của nhiều hộ dân trên đảo nay đã đổi thay.
"Chìa khóa" mở cửa thoát nghèo
Men theo con đường nhỏ, ngoằn ngoèo lọt thỏm giữa những làng chài chúng tôi đến thăm gia đình bà Mai Thị Nhiều, thôn Đông An Hải. Tiếp khách dưới gốc cây hoa giấy khổng lồ, đỏ rực trước căn nhà nhỏ xinh xắn, bà Nhiều tâm sự, trước đây cuộc sống của gia đình chật vật lắm, quanh năm thiếu thốn…
Tháng 4/2020, bà được NHCSXH nơi đây cho vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo và giải quyết việc làm. Có nguồn vốn lớn, bà đầu tư cải tạo đất trồng hành, tỏi. Nhờ chịu khó làm ăn, cùng với hành tỏi được giá, cuộc sống của gia đình ngày khá lên. Đặc biệt, gia đình có điều kiện cho con ăn học và có công ăn việc làm ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Đầu năm 2023, gia đình đã thoát được hộ cận nghèo, vươn lên hộ khá ở thôn Đông An Hải.
Cùng với đó, hàng trăm ngư dân từng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn để vươn khơi hoặc đầu tư nuôi hải sản đã được tiếp sức từ những đồng vốn tín dụng chính sách. Gia đình ông Trần Hùng ở thôn Đông An Vĩnh nằm trong số đó. Ông Hùng cho biết, tháng 8/2019, gia đình được vay 50 triệu đồng hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn, ông dốc hết vào nuôi cá giống (cá bớp), ở ngay vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn. Sau những thành công lẫn thất bại, đến nay gia đình đã có điều kiện kinh tế khá vững chắc. Từ 5 lồng cá, gia đình đã phát triển lên đến 21 lồng. Ông Hùng tâm sự, nếu không có những tiếp sức từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thì rất khó để gia đình có được điều kiện kinh tế như hôm nay.
Thời gian gần đây, với nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH nhiều hộ dân trên đảo Lý Sơn đã đầu tư nuôi trồng hải sản, mở hàng quán, nhà nghỉ, dịch vụ homestay để kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhờ vậy, cuộc sống của nhiều hộ dân trên đảo đã "phất" lên rõ rệt.
Năm 2023, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Lý Sơn đạt 138 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng, so với đầu năm, đạt 100% kế hoạch năm; tổng dư nợ tín dụng chính sách của đơn vị đạt 137 tỷ đồng. Đến nay, có 2.271 hộ còn dư nợ, 980 lao động vay vốn chương trình tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Số hộ thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 134 hộ… Với vô vàn khó khăn trên đảo thì đây đã là kết quả của rất nhiều nỗ lực đáng ghi nhận.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn, ngoài trụ sở, đơn vị còn mở các điểm giao dịch lưu động; đồng thời ký hợp đồng ủy thác đối với các tổ chức chính trị - xã hội, và hợp đồng ủy nhiệm với 56 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hoạt động của những "cánh tay nối dài" đang rất hiệu quả. Tổ tiết kiệm và vay vốn trên đảo không chỉ tích cực huy động nguồn vốn, tăng tốc chuyển tải vốn an toàn đến từng hộ dân, mà còn làm tốt vai trò quản lý vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn.
Đặc biệt, nhằm giúp người dân nhanh chóng tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi, NHCSXH huyện Lý Sơn chủ động khơi thông nguồn vốn, giải ngân kịp thời vốn cấp trên giao và vốn quay vòng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân công từng cán bộ tín dụng bám địa bàn. Nhờ thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách, tập trung nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích nên đến nay, cuộc sống của người dân Lý Sơn đã được nâng lên nhiều cả về vật chất và tinh thần. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng trăm hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên đảo thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần cùng chính quyền và người dân yên tâm vươn khơi, bám biển, bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh đánh giá, trong những năm qua tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở động sản xuất, làm ăn phát triển kinh tế gia đình, góp phần ngăn chặn tệ nạn "tín dụng đen" trên đảo.
Chia tay với Lý Sơn trở về đất liền trong ánh bình minh lấp ló đỏ rực một góc biển. Đọng lại trong tôi là những lưu luyến, xen lẫn tự hào về những đổi thay nơi đảo xa. Càng tự hào hơn, trong những đổi thay nơi "đầu sóng ngọn gió" có những đóng góp của Ngành ngân hàng. Những đồng vốn đang ngày đêm thắp sáng niềm tin, nuôi dưỡng cho những ước mơ, khát vọng thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn