Nguồn vốn chính sách chắp cánh cho phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Trần Lê - Ảnh: Tuấn Dũng
25/08/2023 - 16:02
Nguồn vốn chính sách chắp cánh cho phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu tại Hội nghị

Đây là một trong những nội dung được thông tin tại Hội nghị “Giao ban hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội”, diễn ra chiều ngày 25/8/2023 tại Hà Nội.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023; Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH để tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nguồn vốn chính sách chắp cánh cho phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị “Giao ban hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội”

NHCSXH đã chủ động huy động nguồn vốn ngay từ đầu năm, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trả nợ các khoản vay đến hạn, đảm bảo khả năng thanh toán cho hoạt động của toàn hệ thống. Đến 31/7/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 324.753 tỷ đồng, tăng 27.736 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 34.881 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,6% tổng nguồn vốn, tăng 4.279 tỷ đồng so với năm 2022, Đến nay, 52/63 chi nhánh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giao năm 2023.

Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Là một trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác từ NHCSXH, Hội LHPN Việt Nam đã tham mưu Chính phủ xây dựng Kế hoạch thực hiện hoạt động ủy thác cho vay và hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ năm 2023; tham mưu thành viên hội đồng quản trị, hoàn thành công tác kiểm tra, giám sát tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận theo kế hoạch được phân công.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương nhấn mạnh: Dù trong bối cảnh nền kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn chính sách đã kịp thời đến được với đối tượng người nghèo, người yếu tế. 

Với Hội LHPN, trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều lao động nữ tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đã bị mất việc làm; nguồn vốn tín dụng là giải pháp hiệu quả để Hội phụ nữ các cấp hỗ trợ chị em tham gia vào các mô hình sinh kế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Nguồn vốn chính sách chắp cánh cho phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (ngồi giữa) tham dự Hội nghị

Hội LHPN các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội, các quy định của NHCSXH, của Hội trong hoạt động ủy thác đến hội viên và nhân dân thông qua tài liệu, các buổi sinh hoạt chi hội, Tổ Tiết kiệm và vay vốn với gần 73 nghìn cuộc; tuyên truyền các gương điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên các kênh truyền thông của Hội (website của Hội, Báo Phụ nữ Việt Nam, các tờ thông tin) và địa phương.

Kết quả, 100% Hội LHPN các cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT. Trong đó: cấp Trung ương tổ chức kiểm tra tại 8 tỉnh; cấp tỉnh, huyện và cơ sở đã thực hiện kiểm tra tại 230 lượt huyện; 3.932 lượt xã; 37.707 lượt tổ TK&VV; 653.798 lượt khách hàng vay vốn.

Bên cạnh đó, TƯ Hội LHPN đã tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội cấp tỉnh với tổng số là 156 học viên. Hội LHPN các cấp đã tổ chức, phối hợp tổ chức tập huấn cho 384 cán bộ Hội cấp tỉnh; 969 cán bộ Hội cấp huyện, 17.813 cán bộ Hội cấp xã.

Các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay thông qua tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý tài chính cá nhân; hỗ trợ phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế tập thể, khởi nghiệp với 2.024 ý tưởng khởi nghiệp được đề xuất gửi về Trung ương, trong đó có nhiều mô hình vay vốn NHCSXH. Riêng cấp Trung ương, đã tổ chức 17 lớp tập huấn cho 965 hộ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong hoạt động sinh kế, giảm nghèo tại địa bàn 10 tỉnh, thành phố.

Hội không chỉ làm tốt công tác uỷ thác, mà còn tiếp tục lồng ghép hướng dẫn các tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế tập thể, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, đồng thời nắm bắt được tâm tư, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, đóng góp có thực chất vào việc thực hiện nhiệm vụ chínn trị được giao, góp phần ổn định đời sống người nghèo, ổn định xã hội, góp phần giảm tín dụng đen.

Thông qua hoạt động uỷ thác giúp nâng cao trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội, vai trò của tổ chức Hội trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; góp phần đưa các chủ trương, chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước sâu rộng đến các tầng lớp phụ nữ và được nhân dân đón nhận, thực hiện có hiệu quả.

Nguồn vốn chính sách chắp cánh cho phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tiếp tục giữ vững "6 nhất"

7 tháng đầu năm 2023, Hội LHPN các cấp đã triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp góp phần giữ vững "6 nhất"  trong hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đó là: Dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất; số dư tiết kiệm đạt cao nhất; số lượng thành viên nhiều nhất; tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng tốt nhất.

Kết quả tính đến 31/7/2023 và so sánh với cuối năm 2022:

- Dư nợ ủy thác trên 115,8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 7.889 nghìn tỷ đồng (7,3%), chiếm 38,19% tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH (giảm 0,15 điểm %);

- Nợ quá hạn 153,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,13% (giảm 0,01 điểm %);

- Nợ khoanh 401,4 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 0,35% (giảm 0.02 điểm %);

- Quản lý 62.048 Tổ TK&VV (36,85%) với trên 2,52 triệu khách hàng (37,95%);

- Tham gia tiết kiệm tại Tổ TK&VV: 99,98% tổ có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 6,6 nghìn tỷ đồng (40,66%), tăng 779 tỷ đồng; bình quân số dư tiền gửi trên 1 tổ viên là 2,56 triệu đồng (tăng 0,23 triệu đồng);

- 166 "Xã trắng", chiếm 1,57% giảm 12 xã;

- Chất lượng hoạt động tổ TK&VV: 57.550 tổ tốt (92,75%) giảm 1,96 điểm %; 3.217 tổ khá (5,18%) tăng 1,65 điểm %; 1.183 tổ trung bình (1,91%) tăng 0,27%; 97 tổ yếu (0,16%), tăng 0,04% và 01 tổ không xếp loại.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm