"Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" (15/3) được tổ chức hàng năm với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua nhiều hình thức, phương tiện truyền thông nhằm đưa Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đến với mọi đối tượng. Bên cạnh đó, sự kiện này giúp định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cung ứng của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng.
Theo Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (Consumers International - CI), có 66% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có thể mua được sản phẩm, dịch vụ bền vững.
Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng bền vững đã được Chính phủ và nhiều tổ chức quan tâm. Thời gian qua, nhiều hoạt động nhằm kêu gọi người dân tham gia hưởng ứng xu hướng này. Tiêu biểu đó là các chương trình: Hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần; tiết kiệm điện, nước; sử dụng phương tiện giao thông công cộng; đổi rác lấy cây xanh…
Đối với tổ chức, cá nhân; các hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường đã tạo được lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc khai thác và bảo vệ các nguồn tài nguyên một cách kinh tế và hiệu quả hơn, giảm lượng chất thải và bảo vệ môi trường cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn. Đây cũng chính là kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi của Người tiêu dùng.
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy, nhu cầu của con người là vô hạn trong khi nguồn lực của Trái Đất là có hạn. Vì vậy, trong thời kỳ bình thường mới, cần phải thúc đẩy tiêu dùng bền vững để bảo vệ môi trường sống.
Mỗi người tiêu dùng với hành động nhỏ sẽ tạo nên đóng góp to lớn cho việc bảo vệ môi trường sống cũng như việc biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Vì vậy, quan niệm và dự định của Người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Với lý do đó, Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề "Kinh doanh trách nhiệm - Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới" nhân ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2021. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chia sẻ tại chương trình Tọa đàm trực tuyến phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021.
Theo bà Diana Torrescho, trợ lý Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, với tư cách là người tiêu dùng, bạn có rất nhiều quyền để thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn, yêu cầu sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thể hiện tác động xã hội và môi trường tốt hơn.
Nếu doanh nghiệp hoạt động thiếu trách nhiệm và tạo ra tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường, người tiêu dùng có thể từ chối, tẩy chay hoặc báo cáo các sản phẩm và dịch vụ tới các cơ quan quản lý.
Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng 2010 quy định về quyền của Người tiêu dùng, bao gồm: Quyền được an toàn; quyền được cung cấp thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được góp ý kiến; quyền tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng.
Bên cạnh quyền được lựa chọn sản phẩm, dich vụ tiêu dùng bền vững, việc thực hành, sử dụng cẩn thận để kéo dài vòng đời của sản phẩm, tái sử dụng và sửa chữa các sản phẩm có thể sửa chữa được và tái chế khi chúng không còn giá trị cũng là cách người tiêu dùng có tham gia bảo vệ môi trường.
Để thực thi quyền của người tiêu dùng có hiệu quả, các doanh nghiệp cũng cần hưởng ứng "Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững", hướng tới lợi ích xã hội nhiều hơn nữa. Trong đó, ưu tiên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng trong trạng thái bình thường mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn