Sunitha Krishnan sinh năm 1972, từ nhỏ đã bị khuyết tật ở chân và phải trải qua các đợt điều trị thường xuyên. Từ khi còn rất nhỏ, Sunitha luôn say mê công việc xã hội, lúc 8 tuổi, cô bắt đầu dạy khiêu vũ cho những đứa trẻ gặp khó khăn về tinh thần.
Năm 12 tuổi, khi đang đi học tại Kendriya Vidylaya Waltair, Visakhapatnam, cô đã tham gia các lớp học cho trẻ em ở các khu ổ chuột và thực hiện chiến dịch xóa mù chữ cho tầng lớp Dalit bị phân biệt đối xử trong chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ.
Năm 15 tuổi, khi đang thực hiện chiến dịch xóa mù chữ cho cộng đồng Dalit, cô bị 8 người đàn ông cưỡng hiếp tập thể. Những người đàn ông đó không thích cách một người phụ nữ can thiệp vào cái mà họ gọi là "xã hội của đàn ông". Họ đánh Sunitha thậm tệ đến mức cô bị điếc một bên tai. Sự cố này không khiến cô gục ngã mà là động lực đốt cháy một ngọn lửa bất diệt khiến Sunitha trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng ở Ấn Độ sau này.
Cô đã theo học tại các trường công lập khác nhau ở Bangalore và Bhutan. Sau khi lấy bằng cử nhân Khoa học Môi trường, cô đến Mangalore để theo học Thạc sĩ Công tác xã hội (y tế và tâm thần) tại Roshni Nilaya và cũng lấy bằng Tiến sĩ.
Sau đó, cô chuyển đến Hyderabad để tham gia Mạng lưới Sáng kiến Nhân dân (PIN) do ông Varghese Theckanath thành lập vì lợi ích của những người sống trong khu ổ chuột. Năm 1996, khi đang làm việc tại PIN, cô đã tham gia chiến dịch bảo vệ quyền nhà ở và ngăn cản kế hoạch "dự án làm đẹp" gần sông Musi.
Cùng với Theckanath, cô đã đào tạo những người trẻ gặp rủi ro và cung cấp các cơ hội việc làm. Cũng trong năm 1996, nhiều người hành nghề mại dâm sống trong khu đèn đỏ ở Hyderabad đã phải sơ tán khỏi nhà chứa và trở thành người vô gia cư. Lo lắng về hạnh phúc của họ, cô quyết định cung cấp nơi trú ẩn cho họ bằng cách bắt đầu một trường học tại địa điểm bỏ trống, mà bây giờ được gọi là Prajwala (Ngọn lửa vĩnh cửu).
Cô đã giải cứu và cung cấp nơi trú ẩn cho hơn 8.000 phụ nữ. Bên cạnh việc cung cấp chỗ ở cho các nạn nhân, Prajwala còn đào tạo họ học nghề để sau hòa nhập trong xã hội. Họ được phục hồi thông qua đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và kết hôn.
Chính quyền bang Andhra Pradesh đã thông qua các khuyến nghị do Sunitha Krishnan soạn thảo năm 2003 nhằm giải cứu và phục hồi các nạn nhân của bạo lực tình dục. Năm 2013, cô trở thành thành viên của Ủy ban Bang Andhra Pradesh. Đồng thời, Sunitha Krishnan đóng vai trò cố vấn cho chính sách Nirbhaya của chính quyền bang Kerala. Cô đã tự mình soạn thảo kế hoạch này và cố gắng hợp tác với nhiều bộ phận khác nhau như phúc lợi xã hội, cảnh sát, y tế, lao động.
Bên cạnh vai trò là một nhà hoạt động xã hội, cô còn xuất bản nhiều tài liệu về nạn buôn người, trong đó có "The Shattered Innocence" (Sự ngây thơ tan vỡ) được đánh giá cao. Sunitha Krishnan nhận ra rằng việc làm phim mô tả thực tế khắc nghiệt của nạn buôn người sẽ giúp cô đạt được mục tiêu hình thành một xã hội mới.
Bộ phim tài liệu có tên "Anamika" do cô sản xuất năm 2005 đã mang về nhiều giải thưởng. Hơn nữa, hợp tác với Suntouch Productions, cô đã ra mắt một bộ phim truyện về nạn buôn bán tình dục có tên "Ente" ở Malayalam và "Naa Bangaru Thalli" ở Telugu, đã giành được khoảng 8 giải thưởng Quốc tế.
Nỗ lực nở hoa
Cô đã nhận Giải thưởng Mahila Thilakam và Giải thưởng Nhân đạo Gangadhar của chính quyền Kerala năm 2013, Giải thưởng Mẹ Teresa vì Công bằng xã hội năm 2014. Năm 2016, cô đã được trao Giải thưởng Padma Shri trong lĩnh vực Công tác xã hội. Đây là giải thưởng dân sự cao thứ tư của Ấn Độ.
Hiện Sunitha Krishnan là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Ấn Độ đã đấu tranh cho vấn nạn buôn người và bóc lột tình dục vì mục đích thương mại.
Một trong những cột mốc lớn trong suốt những năm hoạt động của cô là cùng anh trai Jose Vetticatil (một nhà truyền giáo qua đời năm 2005) sáng lập Prajwala - Một tổ chức phi chính phủ đến nay đã cứu được hơn 17.800 người bị ép làm gái mại dâm.
Năm động cơ hoạt động của Prajwala là: Phòng ngừa, Bảo vệ, Giải cứu, Phục hồi và Tái hòa nhập. Cô đã tham gia vào toàn bộ các công việc từ phòng ngừa đến cứu hộ, phục hồi chức năng, tái hòa nhập và vận động cho các vấn đề liên quan đến buôn bán người, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến buôn bán tình dục. Cô Krishnan còn lên tiếng rằng, phụ nữ làm nghề mại dâm nên nhận được tất cả sự hỗ trợ như một nhóm yếu thế trong xã hội.
Theo nhiều nghiên cứu, Ấn Độ có khoảng 3 triệu người hành nghề mại dâm, hầu hết là trẻ em. Cứ 4 nạn nhân được giải cứu khỏi nạn mại dâm thì có 1 trẻ em và 60% trong số này có HIV dương tính. Mỗi năm, khoảng 2 triệu phụ nữ và trẻ em bị mua bán trên toàn cầu.
Chính tổ chức Prajwala lên án nạn buôn bán tình dục không chỉ dẫn đến vi phạm nghiêm trọng nhân quyền mà còn gây ra những hậu quả bất lợi về thể chất, tâm lý và đạo đức cho nạn nhân. Sunitha Krishnan luôn khao khát và nỗ lực hướng tới việc làm cho Ấn Độ và thế giới không còn nạn buôn bán người và tình dục.
Một người sống sót sau vụ hiếp dâm tập thể đã trở thành nhà vận động cho quyền phụ nữ, cô ấy sử dụng nỗi đau của mình làm động lực để giải cứu, phục hồi và tái hòa nhập của các nạn nhân của nạn buôn bán tình dục. Krishnan luôn trăn trở về thái độ thờ ơ của xã hội Ấn Độ với nạn hiếp dâm. Cô cho rằng, việc hướng dẫn phụ nữ các biện pháp phòng tránh bị cưỡng hiếp không phải là hướng đi đúng đắn, thay vào đó, thế giới cần tập trung vào việc giáo dục và thay đổi suy nghĩ, quan điểm của nam giới.
"Tôi thấy phụ nữ và trẻ em bị bán làm gái mại dâm và nô lệ tình dục, bị hãm hiếp và làm ô uế và bị đổ lỗi cho những gì họ đang trải qua. Họ đối mặt với sự kỳ thị, cô lập và sự tẩy chay của xã hội, chưa nói đến các chấn thương. Vấn đề không phải do trẻ em gái, phụ nữ mà là do đàn ông, những người sẵn sàng vung tiền để thỏa mãn nhu cầu tình dục, thậm chí còn yêu cầu trẻ em đáp ứng ham muốn của họ. Việc đổ lỗi cho nạn nhân phải dừng lại!".
Cô Sunitha Krishnan
Chính vì lý tưởng đó mà cô Krishnan luôn sống trong nguy hiểm. Cá nhân cô đã bị hành hung 17 lần. "Vai trò, nhiệm vụ, công việc mà tôi đã chọn không cho phép bạn nghĩ đến ngày mai vì bạn có thể bị giết ngay hôm nay. Điều quan trọng là tận dụng ngày hôm nay vì bạn không bao giờ có thể chắc chắn rằng mình sẽ có ngày mai. Khi bạn lựa chọn tham gia một nhiệm vụ kiểu này, bạn cũng lựa chọn thực hiện những mối nguy hiểm chuyên nghiệp này. Khi tôi lựa chọn chống lại tội phạm có tổ chức, rõ ràng tôi đã lựa chọn bị đe dọa, đánh đập và hành hung. Cho dù tôi sống bao nhiêu ngày, bất kể tôi sống bao nhiêu năm, tôi muốn sống cho chính nghĩa này!".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn