Những nghệ nhân đau đáu giữ nghề ở làng rèn hàng trăm tuổi

Trường Lê
26/04/2022 - 06:48
Những nghệ nhân đau đáu giữ nghề ở làng rèn hàng trăm tuổi

Nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến với công đoạn tạo hình sản phẩm

Làng rèn cổ truyền Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, Q.Hà Đông, Hà Nội) nổi tiếng cả nước với sản phẩm dao, kéo và đã xuất khẩu đi các nước lân cận. Ngày nay, người thợ rèn Đa Sỹ vẫn cần mẫn làm nghề và giữ nghề như giữ một nét văn hóa truyền thống đáng quý.
Nữ nghệ nhân làng rèn

Nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến, 56 tuổi, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề rèn ở làng. Bà lấy chồng là người trong làng và gia đình chồng cũng có truyền thống với nghề rèn nên vợ chồng bà lấy nghiệp rèn làm kế sinh nhai.

Bà Tuyến trò chuyện cùng chúng tôi khi đang dở mẻ than với những phôi dao, kéo đã dần thành hình. Tay thoăn thoắt lật nhanh phôi sắt vừa nung đỏ trong lò theo nhịp đập của búa, bà Tuyến chia sẻ: "Làng này có truyền thống làm nghề rèn từ hàng trăm năm trước. Từ đời ông tôi, bố tôi rồi giờ đến tôi cũng theo nghề rèn. Dù tôi là con nhà nòi nhưng phải lên cấp 2 mới được bố cho phụ công việc rèn... Để trở thành một thợ giỏi đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức cùng sự tích lũy những kinh nghiệm nhiều năm từ lớp cha chú, cộng với sự chịu khó".

Công việc này vất vả suốt ngày với than, khói bụi, mồ hôi mặn chát. Mùa đông cũng như mùa hè bên lò nung nóng rẫy hàng nghìn độ nhưng bà Tuyến vẫn vui vẻ, lạc quan. Với bà, rèn là duyên là nghiệp và cũng là để giữ nghề truyền thống của cha ông. "Nghề rèn vất vả vô cùng, cả ngày bên lò nung nóng rẫy, lại thường tiếp xúc với bụi than, tàn thép khiến mặt mũi lấm lem. Nếu không kiên trì, chịu khó, chịu khổ thì không theo được nghề, nhất là cánh phụ nữ chúng tôi lại càng khó hơn gấp bội phần", bà Tuyến cười tâm sự.

Khi chúng tôi hỏi về việc giữ gìn, truyền nghề và tiếp nối nghề ông cha của thế hệ trẻ hiện nay, nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến chia sẻ: "Hiện nay, do quá trình đô thị hóa, thời thế thay đổi, các cháu có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn, vì vậy nhiều người trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề rèn nữa. Cũng không trách được giới trẻ bởi nghề rèn thu nhập không mấy dư dả, lại vất vả...".

Theo xu thế công nghệ, từ năm 1997, gia đình bà Tuyến đã đầu tư máy móc vào sản xuất, giúp giảm bớt công lao động và làm được nhiều sản phẩm hơn, giá thành sản phẩm cũng rẻ hơn, từ đó công việc của người lao động được cải thiện hơn so với trước. "May mắn là các con tôi có nguyện vọng nối nghiệp nghề rèn của bố mẹ nên chúng tôi đã chủ động đào tạo, truyền nghề cho con cháu trong gia đình", bà Tuyến tâm sự.

Thuận vợ thuận chồng...
Giữ nghề rèn ở làng nghề cổ truyền Đa Sỹ - Ảnh 1.

Nghệ nhân Hoàng Văn Cung và vợ là Hoàng Thị Hà đang hoàn thành sản phẩm cho khách hàng

Đến làng rèn Đa Sỹ, dễ dàng bắt gặp hình ảnh hai vợ chồng ở xưởng rèn, cùng quai búa, chồng cắt, vợ mài. Gia đình nghệ nhân Hoàng Văn Cung (62 tuổi) và vợ - bà Hoàng Thị Hà là một minh chứng. Hằng ngày, ở xưởng rèn của gia đình, hai ông bà vẫn túc tắc bám nghề cha ông truyền lại và nghề rèn đã giúp ông bà có thu nhập để nuôi các con nên người. 

"Ngày mưa cũng như ngày nắng, trừ lúc mệt, tôi dậy sớm cơm nước cho gia đình rồi vợ chồng lại bắt đầu với một ngày làm việc mới. Tôi là người làng khác về làm dâu ở làng rèn này, nghề rèn là duyên nghiệp với tôi. Tôi phụ việc cho chồng, từ công việc đơn giản cho đến công đoạn nặng nhọc là quai búa mình cũng đảm trách cùng chồng. Vợ chồng đồng cam cộng khổ với nhau thì hạnh phúc mới bền lâu", bà Hà tâm sự.

Với đam mê nghề rèn từ năm 12 tuổi, ông Cung đã nối nghiệp của cha. Qua hơn 40 năm gắn bó với nghề rèn, ông Cung đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và lại truyền cho thế hệ sau.

Công đoạn để làm ra một sản phẩm dao, kéo ở Đa Sỹ rất công phu. Từ khâu chọn nguyên liệu thép đến đưa vào lò nung đủ độ. Theo ông Cung, để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh, các công đoạn phải kết nối với nhau từ lúc làm phôi đến hoàn thiện sản phẩm. Ví như, cắt phôi phải phát hiện xem cùng một nhíp, phôi nào cứng - mềm để khi gia công rèn cho vào nhiệt (tôi luyện) phải phân biệt từng loại với độ nhiệt khác nhau, cho ra sản phẩm sắc ngọt.

Giữ nghề rèn ở làng nghề cổ truyền Đa Sỹ - Ảnh 2.

Nghệ nhân Hoàng Văn Cung cho biết gia đình ông có 3 thế hệ làm nghề.

Nghệ nhân Hoàng Văn Cung cho biết: "Gia đình tôi có 3 thế hệ làm nghề, đến nay vẫn giữ được nét đặc sắc, độ bền, độ sắc, độ tinh xảo của sản phẩm thủ công mà làm bằng máy móc không có được. Thế hệ chúng tôi với tình yêu nghề vẫn duy trì bảo tồn nét tinh hoa văn hóa của làng nghề mình".

Hiện tại, Đa Sỹ có 10.000 hộ dân thì có trên 1.200 hộ tham gia làm nghề rèn, sản phẩm chủ yếu là mặt hàng dao, kéo các loại. Nhiều hộ gia đình đã thành lập công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề, đồng thời thu mua của các hộ, xuất đi tiêu thụ ở các tỉnh trong cả nước và thị trường nước ngoài như: Lào, Campuchia và các nước châu Âu.

Theo sử sách ghi lại, làng Đa Sỹ còn có các tên gọi là làng Sẽ, Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ. Từ giữa thế kỷ thứ 18, làng có tên là làng Đa Sỹ. Theo lưu truyền của dân gian, nghề rèn ở đây có từ lâu đời, chuyên rèn vũ khí và nông cụ sản xuất nhưng phải tới thời nhà Trần, đầu thế kỷ 13, mới chính thức trở thành làng rèn khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa ra đây truyền dạy những bí quyết để nghề rèn phát triển.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm