Khi nói đến giấc ngủ, nhiều người có thể cho rằng điều quan trọng là chọn giường ngủ phù hợp, nhưng nghiên cứu cho thấy cũng cần một thời điểm tối ưu để ngủ, ít nhất là khi nói đến sức khỏe tim mạch. Không quá sớm hay không quá muộn, với thời điểm thích hợp là từ 10 giờ tối đến 11 giờ tối.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của hơn 88.000 người tham gia tại UK Biobank cho thấy đi ngủ lúc 10 giờ tối hoặc ngay sau đó có liên hệ với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch so với thời gian ngủ sớm hơn hoặc muộn hơn vào ban đêm.
Nghiên cứu không chứng minh rằng đi ngủ sớm hay muộn hơn góp phần tăng nguy cơ bệnh tim, đặc biệt là vì thời gian ngủ có thể liên quan đến các tình trạng sức khỏe hoặc hành vi khác, chẳng hạn như thức khuya và uống rượu, cũng có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hơn nữa, nghiên cứu cũng không xem xét kỹ chất lượng giấc ngủ của những người tham gia mà chỉ xem xét độ dài và thời gian của giấc ngủ.
Tiến sĩ David Plans, người đứng đầu nghiên cứu tại Huma Therapeutics và giảng viên cao cấp tại Đại học Exeter, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết một khả năng của vấn đề là việc đi ngủ quá sớm hoặc quá muộn có thể khiến nhiều người bỏ qua các "tín hiệu" quan trọng như ánh nắng ban ngày, điều giúp thiết lập lại đồng hồ sinh học bên trong cơ thể mỗi ngày.
Nếu đồng hồ cơ thể không được thiết lập lại đúng cách trong một thời gian dài, "hoạt động và đồng hồ sinh học bị sai lệch sẽ làm tăng tình trạng kích động và có thể làm suy giảm sự điều hòa glucose - cả hai điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch", Plans cho biết.
Trên tạp chí European Heart Journal - Digital Health, Plans và các đồng nghiệp cho biết, có 3.172 trong số 88.026 người tham gia được chọn từ năm 2006 đến năm 2010, mắc bệnh tim mạch trong thời gian theo dõi trung bình là 5,7 năm. khi bắt đầu nghiên cứu, không ai trong số họ mắc bệnh hoặc rối loạn giấc ngủ. Nhóm nghiên cứu sau đó đã thu thập dữ liệu từ thiết bị đeo trên cổ tay của những người tham gia trong 7 ngày để tìm hiểu xem liệu có mối liên hệ nào giữa bệnh tim với thời gian họ ngủ vào ban đêm hay không.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số 3.172 người tham gia, trung bình 1.371 người ngủ sau nửa đêm trong 7 ngày đeo thiết bị, 1.196 người ngủ từ 11 giờ tối và 473 người ngủ từ 10 giờ tối. Chỉ 132 người ngủ trước 10 giờ. Sau khi xem xét các thông tin khác nhau, chẳng hạn như độ tuổi, giới tính, tình trạng hút thuốc, thời gian ngủ, giấc ngủ không đều, có mắc bệnh tiểu đường hay không, huyết áp và tình trạng kinh tế xã hội của những người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện những người ngủ từ 10 giờ đến 10 giờ 59 phút tối có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn những người ngủ sớm hơn hoặc muộn hơn.
Cụ thể hơn, những người ngủ vào lúc nửa đêm hoặc muộn hơn có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 25%, trong khi những người ngủ trước 10 giờ tối có nguy cơ tăng 24%. Ngay cả việc đi ngủ sau thời điểm 10 giờ tối một giờ đồng hồ cũng có khác biệt. Những người đi ngủ trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 11 giờ 59 phút tối có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 12% so với những người ngủ một giờ trước đó. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện này dường như rõ ràng ở phụ nữ mạnh hơn nam giới, mặc dù vẫn chưa có lý do rõ ràng.
Nghiên cứu cũng có những hạn chế, bao gồm việc nó chỉ dựa trên dữ liệu những người trưởng thành từ 43 đến 79 tuổi và những người tham gia từ UK BioBank - một cơ sở dữ liệu về thông tin di truyền và lối sống mà các nhà nghiên cứu đang sử dụng để điều tra nhiều vấn đề sức khỏe, chủ yếu là người da trắng. Plans cho biết cần phải nghiên cứu thêm với số lượng người tham gia nhiều hơn để xem xét các kết quả, thêm vào đó là hiện tại không có đủ bằng chứng để đưa ra một giờ đi ngủ cụ thể cho mọi người.
Tuy nhiên, ông cho biết nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của vệ sinh giấc ngủ - những thói quen giúp mọi người có một đêm ngon giấc. "Mọi người thường cho rằng bệnh tim là hệ quả của những ảnh hưởng sinh lý. Trong khi trên thực tế, ảnh hưởng hành vi lên hệ thống tim mạch do gián đoạn sinh học là rất lớn", Plans nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn