Chị Thần Thu Thủy (45 tuổi) sau khi đã trải qua phẫu thuật lấy u xơ lớn ở cực trên của ngực có mong muốn được thực hiện nâng ngực. Chị Thủy đã đi đặt túi ngực và được thực hiện với đường rạch nửa dưới quầng núm vú. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, quầng núm vú bị hoại tử một phần. Chị Thủy đến bệnh viện để thăm khám và xử lý. Tại đây, bác sĩ đã phải mất nhiều thời gian chăm sóc và ghép da dày để tạo hình lại một phần quầng vú đã bị hoại tử đó.
Theo ThS.BS. nội trú Nguyễn Minh Nghĩa (Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Trường Đại học Y Hà Nội), những người đã có tiền sử bị u xơ, u nang ở ngực và đã được tiểu phẫu cắt bỏ u không phải ai cũng có thể phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực. Khi có mong muốn được nâng ngực, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cần khai thác kỹ tiền sử về loại u, kích thước u, vị trí u, đồng thời thăm khám để xác định đường rạch, vị trí đã can thiệp lấy u trước đây.
"Những yếu tố đó sẽ quyết định đến vị trí đặt túi, đường mổ và mức độ can thiệp bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nếu nâng ngực. Tóm lại, đối với bệnh nhân đã can thiệp tiểu phẫu lấy u xơ, u nang ở ngực vẫn có thể thực hiện phẫu thuật nâng ngực với điều kiện bác sĩ cần khai thác kỹ tiền sử, cách thức phẫu thuật lần trước để quyết định đường rạch và mức độ can thiệp có thể thực hiện phù hợp", bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa cho biết.
Nhiều chị em cũng có thắc mắc: Vậy u xơ, u nang to bao nhiêu thì không thể nâng ngực? Có ngưỡng an toàn không? Bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa cho hay, đối với u lành như u xơ, u nang, không có ngưỡng an toàn cụ thể.
Ví dụ như không có kích thước u là từ bao nhiêu milimet hay centimet trở lên thì không thể nâng ngực được. Nếu kích thước u lớn, đã được can thiệp trên một vùng tuyến rộng để lấy u, gây tổn thương hệ thống mạch máu cấp máu cho quầng núm vú, bác sĩ có thể chọn phương án nâng ngực can thiệp ít nhất vào tuyến như mổ đường chân ngực và đặt túi dưới cơ.
Tuy nhiên, phẫu thuật nâng ngực kèm theo treo tuyến hay cắt tuyến, sắp xếp lại tuyến vú trong trường hợp người bệnh có tình trạng sa trễ hoặc phì đại thì sẽ rất khó khăn. Phẫu thuật viên cần chụp MRI đánh giá tình trạng nhu mô tuyến vú, thậm chí siêu âm doppler mạch để đánh giá hệ thống mạch máu cấp máu cho quầng núm vú.
Ngưỡng an toàn ở đây sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể là đảm bảo khả năng cấp máu cho quầng núm vú. Bác sĩ có thể lựa chọn phương án phẫu thuật phù hợp đảm không ảnh hưởng đến sức sống và cảm giác quầng núm vú nhưng vẫn đáp ứng được tối đa mong muốn của chị em.
Đối với phẫu thuật đặt túi nâng ngực, bác sĩ cũng cho hay, nếu chị em có tiền sử u vú, đã trải qua can thiệp lấy u, chắc chắn giải phẫu bình thường của hệ thống mạch máu, thần kinh đã có thay đổi. Việc cấp máu nuôi dưỡng và thần kinh cảm giác cho da ngực và phức hợp quầng núm vú đã không còn nguyên vẹn.
Bác sĩ phẫu thuật khi đặt túi nâng ngực hay làm thêm những can thiệp đến quầng núm vú, tuyến vú phải tính toán kỹ về đường rạch, vị trí đặt túi, mức độ can thiệp phù hợp đảm bảo cảm giác, cấp máu. Nếu không bệnh nhân có thể mất cảm giác hay nặng hơn là hoại tử quầng núm vú, da ngực.
Cũng có nhiều trường hợp lo ngại: Sau khi phẫu thuật nâng ngực, các khối u khác lại xuất hiện và được chỉ định phải tiểu phẫu lấy khối u ra thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến túi ngực đang có bên trong?
Bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa cho hay, khi thực hiện tiểu phẫu lấy u thì sẽ không ảnh hưởng đến túi ngực bên trong - trong điều kiện túi ngực được đặt dưới cơ và u xơ chỉ khu trú trong lớp tuyến vú. Tuy nhiên, có nguy cơ khác khi lấy những khối u lớn là mất cảm giác hoặc nặng hơn là hoại tử đối với phức hợp quầng núm vú và da ngực phía trên vì bệnh nhân đã trải qua can thiệp nâng ngực trước đây.
Nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ sau can thiệp tiểu phẫu ảnh hưởng đến thẩm mỹ của ngực là đúng đắn, tuy nhiên, trước khi thực hiện nâng ngực cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn. Bởi trong một số trường hợp hoàn toàn không nên thẩm mỹ sau khi đã can thiệp cắt u tuyến vú.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn