Bạn đã bao lần rơi vào những cuộc tranh cãi không hồi kết ở cơ quan hay ở nhà, bằng hành động hay lời nói? Đôi khi, chúng ta quên rằng chúng ta phải lắng nghe mọi người.
Từ nhỏ chúng ta đã được học về cách lắng nghe mọi người. Đó là lắng nghe những chỉ đạo (trong công việc), lắng nghe để thấu hiểu hơn (trong tình yêu, tình bạn, khơi dậy lòng trắc ẩn), lắng nghe kiến thức (để phát triển cá nhân).
Tuy nhiên, chúng ta thường muốn bản thân mình được lắng nghe, muốn chia sẻ nhiều hơn. Chúng ta tìm cách để xen vào, khiến bản thân mình trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. Điều này đặc biệt phổ biến trên môi trường internet, khi nhiều người chỉ muốn được chú ý thay vì quan tâm đến việc người khác đang nghĩ gì.
Khi học được cách lắng nghe, chúng ta sẽ trở nên khôn ngoan hơn với những gì nên nói. Chúng ta học được cách tôn trọng trong giao tiếp, thấu hiểu nhiều điều hơn về đối phương và cũng là thể hiện sự tôn trọng chính mình. Khi có thể kiên nhẫn và lắng nghe, bạn sẽ học được những bài học giúp bản thân tương tác tốt hơn với thế giới này.
Cuộc sống với những bộn bề lo toan khiến nhiều người cảm thấy xa lạ hơn với hai chữ tử tế. Tuy nhiên, sự thật là lòng tốt luôn hiện hữu quanh ta, trong cuộc sống này và bên trong mỗi người.
Có câu nói rằng: Lòng tốt sẽ giúp ta đi chặng đường dài hơn. Chúng ta có lẽ đều từng thấy một vận động viên điền kinh giúp đỡ đối thủ của mình bị ngã, sau đó cả hai đều đạt được sự công nhận và hoan nghênh hơn của mọi người. Sự tử tế, tốt bụng đó khiến họ trở nên thực sự nổi bật và rạng rỡ.
Trong cuộc sống, sự tử tế sẽ củng cố các mối quan hệ và mở ra khả năng phát triển thuận lợi hơn. Mọi người có thể quên điều bạn nói, quên điều bạn làm nhưng không bao giờ quên điều bạn khiến họ cảm thấy. Dù là với ai, đó đều là thứ “ma thuật” giúp bạn có được mối quan hệ tốt đẹp và bền vững.
Nếu chúng ta không thể truyền đạt nhu cầu, mong muốn và mục tiêu của mình, sao có thể mong đợi người khác bị thu hút và đáp ứng chúng. Có một sự khác biệt lớn giữa việc thu hút được mọi người tham gia vào giao tiếp và chỉ tạo ra âm thanh có thể nhận dạng.
Bằng cách phát triển các kỹ năng giao tiếp của mình, chúng tôi sẽ thể hiện rõ hơn bản thân với thế giới. Suy nghĩ là sự phản ánh cách chúng ta nhìn thế giới và mọi nỗ lực giao tiếp đều thể hiện quan điểm đó. Nếu mục tiêu chính của chúng ta chỉ là phát ra lời nói và “nhét” chúng vào tai người khác thì giao tiếp đó đã thất bại. Không có cây cầu nào được xây dựng, không có sự liên kết, ràng buộc nào giữa đôi bên.
Muốn có được sự tôn trọng cũng như sự hồi đáp của người khác, học hỏi và trau dồi những kỹ năng giao tiếp tốt luôn là điều cần thiết. Bạn sẽ có cái nhìn nhiều chiều hơn về vấn đề, đúc rút được cho mình bài học kinh nghiệm quý báu, gia tăng khả năng thành công dù là trong công việc hay cuộc sống.
Khi mắc phải sai lầm, chúng ta dễ bị cám dỗ bởi việc đổ thừa trách nhiệm, không coi nó thuộc về mình. Chúng ta bật chế độ phòng thủ, không muốn công nhận sự thật rằng mình đã sai, sợ điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đã thất bại.
Nhớ rằng không ai luôn đúng và cũng không ai luôn sai. Chúng ta đều là những con người không hoàn hảo và trái đất với sự phức tạp kỳ diệu của nó, biết cách xoay chuyển những sai lầm. Thay vì phàn nàn và đổ thừa trách nhiệm, biết thừa nhận cái sai của mình và có trách nhiệm sẽ khiến chúng ta trở nên đáng kính và đáng tôn trọng hơn trong mắt mọi người. Người không có bất kỳ sai lầm nào là người chưa bao giờ dám thử nghiệm điều mới.
Sự thật là nếu chúng ta không muốn chia sẻ những điều bên trong mình, chúng ta không thể thuộc về những mối quan hệ thân mật. Nếu chúng ta không muốn chia sẻ khả năng của mình, chúng ta không thuộc về một môi trường làm việc.
Chia sẻ với người khác là một trong những điều đầu tiên chúng ta được dạy khi đến với thế giới này. Chia sẻ tạo nên “chúng ta” thay vì chỉ là những cá nhân riêng rẽ. Chia sẻ tạo ra những cộng đồng sẵn sàng cùng nhau khám phá, trau dồi và mở ra những điều mới. Chia sẻ khiến con người ta xích lại gần nhau hơn và cùng nhau tạo nên thế giới tốt đẹp hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn