Luật tục nghiêm ngặt
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của bà con đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã ngày một ấm no hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hủ tục từ thời xưa để lại khiến chị em phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi.
Bà Hồ Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn, cho biết, theo phong tục của người Bru-Vân Kiều, nếu người phụ nữ nào sinh con mà không lấy chồng hoặc sinh con trước khi lấy chồng hay sinh con ở bản khác thì sẽ bị phạt 1 con trâu.
"Một là phải sinh con tại đúng bản mình sinh sống, hai là sinh con tại cơ sở y tế. Nếu sinh con ở bản khác (không phải cơ sở y tế) thì sẽ bị bản phạt 1 con trâu. Trong trường hợp nhà nghèo không có trâu nộp phạt, bản sẽ yêu cầu bố mẹ đẻ của người vi phạm phải nộp. Nếu bố mẹ cũng không có thì bản sẽ thực hiện "cưỡng chế" hoặc người vi phạm sẽ bị cả bản cô lập", bà Hoa nói về tục của người Bru-Vân Kiều.
Theo bà Hoa, người Bru-Vân Kiều quan niệm rằng, nếu phụ nữ sinh con mà không có chồng hoặc sinh con ở bản khác rồi mới đem về bản thì sẽ mang lại tai họa cho cả bản, vì thế luật tục này bao năm qua được thực hiện rất nghiêm, không có vùng cấm, dù người đó là ai, nếu vi phạm đều sẽ bị xử lý.
Sau khi nộp trâu, người trong bản sẽ mang trâu ra khu vực linh thiêng của bản để làm lễ cúng. Sau đó, người dân trong bản cùng thịt trâu và ăn uống ngay tại đây. Đặc biệt, nếu ăn uống xong còn thừa sẽ đều mang vứt hết đi chứ không cầm về nhà.
Hơn 10 năm bị phạt 3 con trâu
Theo bà Hoa, những năm qua, có không ít trường hợp bị phạt trâu vì những lý do nêu trên. Có điều lạ, dù bị phạt nặng như vậy nhưng những người nộp phạt đều không hề có ý kiến, phản đối về tục này. Dù gia đình rất khó khăn, họ vẫn cố gắng đi vay mượn tiền của người thân để mua trâu về đóng phạt.
Chị Hồ Thị Hồng, ở bản Bến Đường, là người bị phạt nhiều nhất, trong vòng hơn 10 năm qua, chị đã nộp tới 3 con trâu vì sinh con ngoài giá thú.
"Mình sống ở đâu thì phải theo phong tục ở đó thôi. Từ xưa đến nay ở đây đều thế, mình có xin cũng không được. Với lại mình cũng muốn nộp phạt để cho con cái được khỏe mạnh, may mắn", chị Hồng chia sẻ.
Chị Hồng cho biết, theo phong tục của người đồng bào Bru-Vân Kiều, nếu đứa trẻ sinh ra mà không có bố thì sẽ mang lại cho bản làng sự đen đủi, người dân trong bản dễ đau ốm. Nếu không làm lễ cúng trâu để "tạ lỗi" thì bản thân đứa trẻ cũng sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Chị Hồng năm nay 40 tuổi, chị không kết hôn nhưng có tới 3 người con. Mỗi lần sinh con, chị đều bị phạt 1 con trâu. Hiện tại 4 mẹ con chị Hồng đang sinh sống trong căn nhà rộng khoảng 15 mét vuông lợp mái pro xi măng, do mái nhà cũ, có nhiều vết thủng nên gia đình phải che một lớp bạt ở trên, nền nhà vẫn là nền đất.
Nhiều năm qua, gia đình chị Hồng thuộc diện hộ nghèo, do không có công việc ổn định, bản thân chị đang phải nuôi con nhỏ, hàng xóm vì thương tình nên cũng đã hỗ trợ chị Hồng trong việc trông con, để hàng ngày chị lên nương đi làm.
Đổi thay từ khi có "Tổ truyền thông cộng đồng"
Bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn, cho biết, năm 2022, xã Trường Sơn được TƯ Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm đầu tiên trong cả nước triển khai Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) về xây dựng và vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng".
Mặc dù mới thành lập hơn 1 năm nhưng mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" đã mang lại những hiệu quả rõ nét. Đàn ông trong xã đã "biết làm" việc nhà, tình trạng bạo lực gia đình cũng giảm hẳn, trẻ em ở địa phương cũng được chăm sóc tốt hơn. Từ năm 2022 đến nay, chưa có trường hợp bạo lực gia đình nào mà chính quyền phải can thiệp.
Tình trạng tảo hôn ở địa phương cũng giảm dần trong 3 năm qua. Năm 2021 có 10 trường hợp tảo hôn, năm 2022 giảm xuống còn 8. Từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận 5 trường hợp tảo hôn. Còn hôn nhân cận huyết trong 5 năm gần đây không có.
"Nhờ vào tổ truyền thông cộng đồng mà tục phạt trâu phụ nữ sinh con không có chồng nay cũng đã thay đổi, giờ với phụ nữ sinh con không có chồng, người đồng bào Bru-Vân Kiều không phạt trâu nữa, mà họ chỉ phạt 1 con lợn. Tuy nhiên, từ đầu năm cho tới nay, chưa có trường hợp nào bị phạt cả", bà Duyên cho hay.
Theo bà Duyên, trước khi TƯ Hội LHPN Việt Nam thành lập "Tổ truyền thông cộng đồng" tại xã Trường Sơn, địa phương cũng rất tích cực trong việc tuyên truyền về việc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, không phù hợp với đời sống hiện đại. Tuy nhiên, những kết quả đạt được là chưa cao.
"Từ khi thành lập mô hình Tổ truyền thông cộng đồng, cán bộ TƯ Hội LHPN Việt Nam thường xuyên về địa phương để tổ chức các buổi tập huấn về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, thu hút được đông người tham gia, qua đó từng bước xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu", bà Duyên cho hay.
Thành viên của "Tổ truyền thông cộng đồng" bao gồm: Hội phụ nữ, thanh niên, nông dân, trưởng bản, già làng, người có uy tín… Họ là những người đi đầu trong thay đổi những nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, văn hóa lạc hậu, lan tỏa và giúp cho người dân có thêm sự hiểu biết, để sẽ chia, đồng hành, giúp cho phụ nữ và trẻ em gái vượt lên chính mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn