pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ dân tộc Bru-Vân Kiều đầu tiên xóa bỏ hủ tục "nối dây" ở Quảng Bình
Bà Hồ Thị Con - người xin ra khỏi dòng họ để phản đối tục "nối dây"
Thuyết phục chị dâu về làm vợ của chồng mình
Hủ tục "nối dây" của người đồng bào Bru-Vân Kiều ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã gắn liền với cuộc sống của bà con nơi đây bao đời nay. Luật tục này có nghĩa là tiếp tục chắp nối cuộc hôn nhân với nhà chồng.
Bà Hồ Thị Con (SN 1956, ở bản Bến Đường - người đầu tiên xóa bỏ hủ tục "nối dây") cho biết, theo tục "nối dây", nếu người chồng chết thì người vợ sẽ phải lấy em hoặc anh trai ruột của chồng. Nếu nhà chồng không có anh em trai ruột thì sẽ phải lấy một người trong dòng họ nhà chồng.
"Có những trường hợp chồng chết, nhà chồng lại không có anh em trai, người vợ phải lấy cháu họ của chồng, cho dù người cháu này kém rất nhiều tuổi. Luật tục này không quan trọng độ tuổi, có những người phụ nữ 80 tuổi vẫn phải về làm vợ người 60 tuổi sau khi chồng chết", bà Con kể.
Nếu ai không tuân thủ theo thì sẽ bị trừng phạt bằng cách đuổi ra khỏi dòng họ hoặc phải trở về nhà bố mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được mang theo của cải cũng như con cái. Luật tục này rất nghiêm ngặt, buộc tất cả đồng bào Bru-Vân Kiều phải tuân theo.
Bà Con kể, năm 1974, bà kết hôn với người thanh niên trong bản là ông Hồ Văn Cu, khi đó bà Con vừa tròn 18 tuổi. Rồi lần lượt 6 người con ra đời, trong sự vui mừng phấn khởi của 2 vợ chồng. Thế nhưng vào năm 2002, chồng bà Con lâm bệnh nặng và qua đời, để lại cho bà 6 người con. Gạt nước mắt đưa chồng về với đất, bà trở thành góa phụ ở tuổi 46.
Một năm sau ngày chồng mất, theo phong tục của dân tộc Bru-Vân Kiều, gia đình bên chồng sẽ đánh tiếng đưa bà Con về làm vợ của ông Hồ Văn Thục (em ruột ông Cu). Thế nhưng, oái oăm thay, người đầu tiên bên nhà chồng sang đánh tiếng với bà lại chính là Hồ Thị Nòn (vợ của Thục).
Rất nhiều lần bà Nòn sang thuyết phục, động viên bà Con về làm vợ của ông Thục. Thế nhưng bà Con đều tìm cách trì hoãn. Lần thì bà Con nói "vẫn chưa thể nguôi ngoai được sau cái chết của chồng". Lần thì bà Con nói "để tròn 2 năm rồi tính tiếp".
Lúc này, người dân trong bản Bến Đường đã rất náo loạn vì có thông tin bà Con có ý định phá tục "nối dây". Một nhóm người đã đến tận nhà đe dọa bà Con vì dám làm trái luật tục có từ bao đời. Có người còn nói với bà Con rằng "mày đã không theo tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi về bắt cả bản phải mang bệnh tật… Nếu có chuyện gì xảy ra với bản thì mày sẽ phải cống nạp 1 con trâu, 1 con bò để cúng ma núi".
Xin ra khỏi dòng họ để phản đối tục "nối dây"
Thời điểm này, bà Con đang đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Sơn, lại được cán bộ động viên không nên theo tục lệ cũ. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bản thân lại là đảng viên, nếu theo hủ tục thì vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Hơn nữa, sau này, khi tuyên truyền, vận động bà con dân bản về chính sách, pháp luật thì còn ai nghe mình. Cuối cùng, bà quyết định xin ra khỏi họ để thoát khỏi tục "nối dây" và ở vậy nuôi con, thờ chồng.
Chuyện bà Con xin ra khỏi họ lan đi trong bản Bến Đường như một tin chấn động thời điểm đó. Cũng từ đây, bà Con bị dân bản xa lánh, bố chồng thì trốn suốt cả tháng trên rẫy vì nghĩ rằng tai họa đang chuẩn bị ập xuống gia đình bất cứ lúc nào.
Ngày tháng trôi qua nhưng chẳng thấy tai họa nào ập xuống với bản và gia đình, nhiều người bắt đầu tin lời của bà Con và học theo bà Con không "nối dây" nữa. Hiện nay, cả xã Trường Sơn có trên 20 phụ nữ có chồng đã mất nhưng quyết noi gương bà Con không thực hiện tục "nối dây".
"Trước đây, nhiều người rất sợ việc "nối dây" vì rất khổ. Lấy em hay anh chồng lại có thêm con, nhà ở thì chật chội, nghèo lại càng nghèo thêm. Nhưng họ đều không dám phản đối việc này vì sợ rằng nếu phá tục thì sẽ bị ma núi trừng phạt", bà Con cho hay.
Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết, bà Hồ Thị Con là đảng viên gương mẫu, một phụ nữ giàu nghị lực. Việc bỏ được tập tục "nối dây" của người Bru-Vân Kiều là phá bỏ được rào cản, làm thay đổi nhận thức của dân bản để từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con". Nhờ bà Hồ Thị Con mà ở xã Trường Sơn bây giờ, không còn ai bắt ép phụ nữ phải "nối dây" và cũng không ai muốn "nối dây" như trước nữa.