Chị Mua Thị Dính cho biết, nghề nuôi ong là nghề truyền thống của gia đình chị. Ngày trước, bố chị đã từng thành lập tổ hợp tác nuôi ong, chỉ gồm vài hộ gia đình. Tuy các gia đình liên kết để hỗ trợ nhau nhưng việc nuôi ong chỉ ở mức "cầm cự" chứ không phát triển. Bởi, họ không có kỹ thuật, cũng không có thị trường mà chỉ làm theo thói quen và những kinh nghiệm sẵn có.
Năm 2018, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hà An được thành lập, chị Mua Thị Dính là một trong những thành viên. Theo chị Dính, việc thành lập Hợp tác xã gặp nhiều thuận lợi. Đó là được các ban ngành hướng dẫn để đăng ký nhãn mác và thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, mô hình nuôi ong phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ dân, bởi vốn đầu tư ít và trong thời gian ngắn có thể thu lại được gốc. Đây là điều kiện tốt để người dân trong xã tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống và tăng thu nhập. Hiện tại, Hợp tác xã đã có 13 thành viên.
Chị Dính cho biết, việc nuôi ong ở cao nguyên đá Đồng Văn rất khó khăn, vất vả. "Hoa bạc hà chỉ có từ tháng 10 đến hết tháng 12. Sau khi thu hoạch được mật ong bạc hà trên cao nguyên đá thì những người nuôi ong phải di cư đàn ong xuống nơi khác đỡ lạnh hơn như Tuyên Quang… Khó khăn nhất trong việc nuôi ong lấy mật ong bạc hà trên cao nguyên đá là vùng nguyên liệu. Việc nuôi ong phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết khô hanh thì sản lượng thu hoạch sẽ được ít hơn", chị Dính chia sẻ.
Mỗi năm, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hà An thu hoạch được khoảng 2.400-3.000 lít mật ong bạc hà. Tính ra, thu nhập của mỗi thành viên khoảng 5,5 triệu-6 triệu đồng/tháng. So với thu nhập của người dân tộc ở cao nguyên đá, thu nhập này không nhỏ. Nhờ nguồn thu nhập ổn định này, cuộc sống của các thành viên trong hợp tác xã mỗi ngày một tốt hơn.
Xã Sà Phìn có Khu di tích lịch sử Dinh thự Nhà Vương, là xã có nhiều nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng, thế nên, hàng năm thu hút lượng lớn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch. Nắm bắt lợi thế đó, các thành viên hợp tác xã đã đầu tư vốn để tu sửa nhà cửa, mua sắm nội thất làm dịch vụ Homstay, kết hợp với bán hàng tạp hóa. Cùng với nuôi ong lấy mật, các hoạt động trên đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định và bền vững không chỉ cho các thành viên hợp tác xã mà còn cho cả những hộ dân nơi đây.
Chị Mua Thị Dính cho biết, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hà An luôn cố gắng để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm. Mật ong bạc hà của hợp tác xã đã đạt chứng nhận OCOP và năm 2022 đạt danh hiệu là sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn. Tuy sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng theo chị Dính, mật ong bạc hà vẫn chưa được biết đến rộng rãi.
"Các thành viên hợp tác xã đều là những người dân tộc thiểu số nên kiến thức về công nghệ cũng như về marketing rất hạn chế. Chúng tôi muốn được hỗ trợ đào tạo về phương thức quảng bá sản phẩm. Chúng tôi muốn mật ong bạc hà được bán ở nhiều kênh, như kênh online… Nếu sản phẩm tốt, uy tín được đến tay nhiều người thì hợp tác xã của chúng tôi sẽ ngày càng phát triển. Lúc đó, hợp tác xã không chỉ là 13 thành viên như hiện nay mà con số có thể tăng gấp nhiều lần. Được như vậy, nhiều người dân ở xã, ở huyện sẽ có nguồn thu nhập ổn định, thoát được cảnh đói nghèo", chị Mua Thị Dính trăn trở.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn