pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Người đẹp Hợp tác xã" nỗ lực tăng giá trị cho sản phẩm trà hoa vàng
Chị Dương Khánh Ly (dân tộc Tày) với vùng nguyên liệu trà hoa vàng của trang trại gia đình
Mày mò trồng thử nghiệm cây trà hoa vàng tại trang trại gia đình
Khánh Ly, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm Nghĩa Tá, tâm sự: "Lần đầu đi thi nơi đông người nên tôi khá lo lắng. Vì ở đó có rất nhiều chị tài giỏi và đã phát triển Hợp tác xã từ lâu. May sao, tôi đã nỗ lực hết mình để thể hiện phần thi kiến thức về phát triển kinh tế Hợp tác xã và giành chiến thắng".
Nhớ về hành trình khởi nghiệp ban đầu với vai trò Giám đốc Hợp tác xã, cô gái Tày Khánh Ly cười tươi chia sẻ về cơ duyên đến với nghề: "Tôi học ngành Công tác xã hội ở Đại học Thái Nguyên, cũng chẳng liên quan gì đến kinh tế. Nhưng khi về quê, tôi phát hiện bà con quê mình trồng khá nhiều cây trà hoa vàng và bán cả cây, cả rễ, lần nào cũng bán hết rất nhanh. Tôi tìm hiểu, được biết giá trị cây trà hoa vàng khá cao, nhất là khi chăm cây đến độ ra hoa mới đem bán, thậm chí khi đã sấy thành sản phẩm chè, giá trị còn cao hơn nhiều, lên đến tiền triệu. Vậy mà bà con quê tôi cứ trồng, rồi đào cả gốc đem bán ở chợ với giá rẻ, tôi rất tiếc. Năm 2019, tôi bắt tay vào trồng loại cây này ở trang trại nhà mình, tỉ mỉ chăm sóc, theo dõi đến kỳ nó ra hoa mới thu hoạch".
Tìm hiểu trên mạng, chị Ly biết công dụng của trà hoa vàng là loại thảo dược rất tốt cho sức khoẻ. Có thể điều hoà huyết áp, chữa trị tiểu đường, mỡ máu, tim mạch, ngăn ngừa ung thư, giúp ngủ ngon. "Cây này giâm được bằng cành, hay trồng bằng gốc rễ đều được. Ban đầu, tôi trồng được khoảng 1.000 cây trà hoa vàng ở trang trại gia đình. Đến khi cây ra hoa đợt đầu tiên, tôi lên mạng tìm hiểu giá bán, sau đó bán thử trên zalo, facebook và được bạn bè, người quen và cả người ở xa cũng đặt mua", chị Khánh Ly kể.
Khởi nghiệp để có nguồn hàng ổn định
Thấy tiêu thụ được sản phẩm trà hoa vàng khá thuận tiện, Khánh Ly tiếp tục lấy thêm nguyên liệu của bà con quanh vùng. Nghĩ đến cần nguồn hàng ổn định hơn nhưng lại không có vốn để kinh doanh, tháng 9/2019, Khánh Ly đã vận động được 9 hộ gia đình trong thôn, xã chung vốn để thành lập Hợp tác xã Hoà Thịnh.
Hoạt động ổn định được hơn 2 năm, Khánh Ly mạnh dạn tách ra làm Hợp tác xã của riêng mình, với cái tên mới: Hợp tác xã nông lâm Nghĩa Tá - lấy tên của xã chị để khẳng định sản phẩm sạch của quê hương mình.
"Lúc tách ra làm riêng, tôi cũng nghĩ mình liều, nhưng muốn phát triển kinh tế thì phải dám làm. Nhà chồng khi đó lo lắng, không tin tưởng và ủng hộ tôi làm riêng. Song, tôi vẫn quyết tâm, vay tiền nhà ngoại, người thân và ít vốn tích góp của mình, được hơn 100 triệu đồng vốn, tôi đầu tư mua máy sấy để sấy hoa và lá cây trà vàng. Vì bán sản phẩm khô thì người mua để được lâu hơn là hoa tươi. Số tiền còn lại, tôi mua nguyên liệu, bao bì, thuê nhân công đóng gói sản phẩm và đi giao hàng…", Giám đốc HTX nông lâm Nghĩa Tá chia sẻ.
Thấy chị làm ăn ngày càng đắt khách, gia đình nhà chồng lúc này mới động viên và hỗ trợ chị đi tiếp hành trình khởi nghiệp.
Song phải đến tháng 3/2022, hành trình khởi nghiệp của chị mới đi vào ổn định. Lúc này, Khánh Ly được Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cùng Trung tâm Chia sẻ hỗ trợ 50% tiền công để xây dựng xưởng máy sấy trà hoa vàng năng lượng mặt trời tích hợp, rộng hơn 10m2 và dựng thêm xưởng chế biến chè trên diện tích hơn 300m2 ở cạnh nhà.
"Từ lúc này, tôi thuê thêm 8 chị em nhân công là hội viên, phụ nữ đến làm, có thể tự sấy trà hoa vàng và sấy thêm măng nứa khô. Công việc này không đòi hỏi phải có nhiều sức khoẻ, phù hợp với phụ nữ lúc nông nhàn, vì chỉ cần rửa lá, rửa hoa trà vàng, bổ măng củ rồi để vào lò sấy, đóng gói", chị Khánh Ly chia sẻ.
Tự tin với sản phẩm sạch, chất lượng được thu hoạch tại rừng tự nhiên, chưa có sự tác động của công nghệ, nên sản phẩm trà hoa vàng Nghĩa Tá đã được công nhận OCOP 3 sao năm 2022.
Từ chỗ chỉ bán cho người trong vùng, trong huyện và địa bàn tỉnh Bắc Kạn thì nay sản phẩm trà hoa vàng của HTX nông lâm Nghĩa Tá đã đến các tỉnh /thành xa như: Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nghệ An, Đăk Nông, Long An…
Giám đốc HTX nông lâm Nghĩa Tá cho rằng: "Tôi nghĩ, từ lúc khởi nghiệp để đưa sản phẩm trà hoa vàng của Hợp tác xã đến với người tiêu dùng, trước hết người làm chủ phải mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Tôi cứ vừa làm, vừa mày mò học hỏi thêm trên mạng từ khâu quản lý, tìm thị trường, tiêu thụ sản phẩm và thu mua, chế biến sản phẩm, trồng cây nguyên liệu… Cho đến nay, tôi cũng khá tự tin với nghề mình chọn".
Ước mong của chị cũng như bao Giám đốc HTX khác là có thêm vốn để mở rộng sản xuất, chế biến. Được tiếp xúc với các kênh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại nhiều hơn, để mọi người biết đến sản phẩm vừa tốt về chất lượng, vừa đảm bảo an toàn về sản phẩm sạch, giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm trà hoa vàng Nghĩa Tá của Bắc Kạn.