pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ khởi nghiệp có nhiều sản phẩm OCOP nhất Đồng Nai
Chị Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát
PV: Xin chào chị Bích Lệ, được biết, mọi người hay gọi chị với tên thân mật là "chị Sen". Cái tên này có phải xuất phát từ sản phẩm mà chị khởi nghiệp?
Chị Nguyễn Thị Bích Lệ: Đúng vậy, tôi thường được mọi người gọi là chị Sen, cô Sen thay cho tên Bích Lệ. Bởi vì, khi tham gia hội chợ, trưng bày hay cuộc thi nào tôi cũng mang theo một bình hoa sen từ Đồng Nai đến để cắm.
Bên cạnh đó là các sản phẩm làm từ cây sen mà hợp tác xã (HTX) của chúng tôi đang phát triển. Sen Trường Phát từ khi thành lập đến nay đã phát triển được nhiều dòng sản phẩm từ sen như: Hạt sen tươi, hạt sen khô, hạt sen sấy bơ; các loại trà từ sen và các loại mứt nông sản…
PV: Cơ duyên nào đã kết nối chị với cây sen?
Chị Nguyễn Thị Bích Lệ: Vào những năm 1998 - 2000, người dân quê tôi trồng sen ồ ạt vì có công ty nước ngoài về hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Bà con nông dân lúc đó chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất thấp nên họ chuyển hết sang trồng sen. Tới khi thu hoạch thì bà con hái và chở xuống chỗ thu mua. Đối tác chỉ thu mua những hạt sen to đều, vừa độ chín, không non cũng không già.
Quy trình thu mua rất kỹ, trong một bao, họ lựa ngẫu nhiên một vài hạt sen để kiểm tra. Nếu hạt to thì mới được thu mua. Bởi vì khó như vậy nên số sen bán được chẳng bao nhiêu trong khi số bỏ đi lại rất nhiều. Vì đã ký hợp đồng với công ty nên bà con đâu dám nghỉ trồng, nếu bỏ giữa chừng phải đền hợp đồng.
Gia đình tôi lúc đó trồng được 4 hecta, ngày nào cũng đi hái và chở đi mà có hôm không bán được bao nào. Bán sen mà phải chầu chực, chờ đợi đến 10-11 giờ đêm, còn phải mang theo cơm để ăn khuya.
Từ bức xúc đó, tôi mới tìm cách để bán được sen. Tôi lấy những hạt sen mà công ty không thu mua, cùng mọi người bóc tách và mang ra chợ bán lẻ. Thời đó không có xe máy, chợ lại xa, tôi phải đạp xe đạp mười mấy cây số để đi bán.
Dần dần, tôi bán được và có nhiều khách hàng hơn. Đến năm 2005, tôi thành lập Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát. Từ chỗ chỉ bán được một sản phẩm duy nhất là hạt sen, những người trồng sen ở địa phương cùng lúc bán được tất cả các bộ phận của cây sen cho cơ sở chế biến ngay tại địa phương, ai cũng phấn khởi. Từ đây, tôi đã gắn bó với cây sen.
PV: Vậy HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát ra đời như thế nào, thưa chị?
Chị Nguyễn Thị Bích Lệ: Có thể nói, nhờ tham gia cuộc thi khởi nghiệp mà tôi có thêm động lực để xây dựng HTX hiện nay. Vào tháng 3/2020, tôi tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp ở Trung ương Hội. Lúc đó, tôi hiểu thêm về mô hình HTX và nhận thấy mô hình này rất hay.
Đến tháng 4/2020, HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát chính thức ra đời. Hiện nay, HTX liên kết với hơn 50 hộ trồng sen, trên diện tích hơn 70 hecta. Các thành viên được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm, tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt định kỳ cho các chị em trong HTX. HTX còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, với 10 công nhân cố định và 40 lao động làm thời vụ. Thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Tại cuộc thi năm đó, dự án của tôi đã lọt vào vòng chung kết. Để chuẩn bị cho cuộc thi, tôi ra nhà kho để học và tập thuyết trình trong 1 tuần, tôi sút tới 3 ký. Nhưng đổi lại, dự án "Chế biến các sản phẩm từ sen" của tôi đã đoạt Giải Tiên Phong trong cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp lần 3" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức năm 2020. Sau khi bước ra khỏi cuộc thi, tôi đã mạnh dạn, tự tin và không còn rụt rè trước đám đông nữa.
PV: Theo chị, bí quyết để khởi nghiệp thành công là gì?
Chị Nguyễn Thị Bích Lệ: Chị em muốn đi đến thành công đòi hỏi 3 điều kiện: Đam mê, có thời gian theo đuổi và tài chính chắc chắn. Như bản thân tôi, để đi đến ngày hôm nay là mất hơn 20 năm bám nghề. Tôi đã mạnh dạn vay vốn và tận dụng các chính sách hỗ trợ để xây dựng và phát triển HTX.