Người phụ nữ Khmer lắm duyên nợ với cây tre

10:03 | 04/11/2023;
Xem cây tre là đam mê và duyên nợ của mình, chị Trương Thị Bạch Thủy (39 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) không chỉ tạo được thành công nhất định cho bản thân mà còn giúp nhiều đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn có được công việc, thu nhập ổn định.

Ở xã Phú Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), khi nhắc đến chị Trương Thị Bạch Thủy - Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết thì rất nhiều người biết đến.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Khmer có nghề truyền thống đan đát ở huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), từ nhỏ, Bạch Thủy đã biết đan đát rất giỏi. Hằng ngày, chị cặm cụi đan những sản phẩm từ mây tre để mang ra chợ bán. Đến năm cấp 3, Thủy đi học thêm nghề thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân, rồi lại tham gia các lớp thiết kế, mỹ thuật. Cũng chính vì thế mà trình độ, tay nghề của chị ngày càng được nâng cao.

Sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, Bạch Thủy có một thời gian phải tạm rời xa với nghề những cây tre, sợi mây đi mở quán ăn, kinh doanh trái cây để mưu sinh. Tuy nhiên, vì niềm đam mê thôi thúc và còn lắm duyên nợ nên chị lại quay trở lại gắn bó với cây tre.

Người phụ nữ Khmer lắm duyên nợ với cây tre - Ảnh 1.

Chị Trương Thị Bạch Thủy tạo dấu ấn riêng với kiến trúc từ cây tre, nghề đan đát

"Nghề này là của ông nội truyền lại, đòi hỏi phải có năng khiếu. Lúc nhỏ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải vừa đi học, vừa làm các vật dụng thủ công để bán ở chợ", chị Thủy chia sẻ. Với mong muốn trở về với nguồn cội của mình nên chị đã chuyển đến tỉnh Sóc Trăng sinh sống.

Tại mảnh đất mới vốn đã nổi tiếng với nghề đan đát, bằng khả năng của mình, chị Thủy đã góp phần nâng tầm nghề đan đát ở Sóc Trăng. Từ việc sản xuất sản phẩm truyền thống dùng trong sinh hoạt, phải tốn nhiều nguyên liệu, giá trị lợi nhuận thấp thì nay, bà con làng nghề đã chuyển sang sản xuất những sản phẩm tặng phẩm, du lịch vừa ít tốn nguyên liệu, lại cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.

Hiện tại, Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết có hàng trăm mặt hàng các loại. Từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, trang trí, du lịch đến tặng phẩm… Ngoài thu mua sản phẩm cho bà con trong làng nghề, chị Thủy còn kết nối, thu mua sản phẩm ở các địa bàn lân cận, trực tiếp hướng dẫn nhiều lớp dạy nghề về đan đát cho các địa phương trong tỉnh. 

Người phụ nữ Khmer lắm duyên nợ với cây tre - Ảnh 2.

Chị Trương Thị Bạch Thủy hướng dẫn lớp đan đát nâng cao cho các chị em thuộc hộ nghèo và cận nghèo

Đặc biệt, bên cạnh các sản phẩm đan đát thủ công thì chị Thủy còn thực hiện các công trình kiến trúc từ cây tre với mong muốn sử dụng vật liệu tự nhiên, hướng đến cuộc sống xanh. "Tôi đến nhiều nhà hàng, khách hàng thì thấy nếu bị bó buộc trong bốn bức tường thì khô khan quá. Do vậy muốn thực hiện các kiến trúc từ tre để tạo nên cảm giác thoải mái, gần gũi với tự nhiên", chị Thủy chia sẻ.

Từ khi thực hiện công trình đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu vào năm 2007, đến nay, chị Thủy cùng với những người lao động, trong đó chủ yếu là người Khmer đã triển khai thực hiện nhiều công trình kiến trúc bằng tre ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Theo chị, dù đã có nhiều tiến bộ nhưng hiện nay người phụ nữ Khmer vẫn gặp tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Theo chị, một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do người phụ nữ chưa tự chủ được kinh tế. Do vậy, chị đã thuyết phục, cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để người phụ nữ Khmer trên địa bàn có được công việc, thu nhập ổn định. 

Người phụ nữ Khmer lắm duyên nợ với cây tre - Ảnh 3.

Chị Trương Thị Bạch Thủy (thứ hai từ phải qua) giới thiệu các sản phẩm được chị em đồng bào dân tộc Khmer làm nên

"Tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều với phụ nữ dân tộc thiểu số, được tâm sự nhiều về cuộc sống nên có sự đồng cảm, chia sẻ. Theo tôi, người phụ nữ nếu không độc lập về tài chính sẽ không có tiếng nói trong gia đình. Phụ nữ phải làm ra tiền, tạo ra thu nhập để chứng tỏ, thể hiện được quyền năng. Từ đó có tiếng nói trong gia đình. Nếu cứ trông chờ vào tài chính của người đàn ông mang về thì không hay", chị bày tỏ quan điểm.

Hiện nay, Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ người Khmer tại địa phương. Trong đó, với nghề đan đát thì lao động có thu nhập dựa trên sản phẩm. Còn với những người thợ làm tre thì thu nhập dao động từ 5-10 triệu đồng, tùy vào trình độ. Và hơn hết là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vốn đang dần mai một.

"Khi làm các công trình kiến trúc thì bản thân  mình cũng phải leo trèo, làm nhiều, cái gì cũng làm hết. Nhiều người hỏi tôi có sợ nguy hiểm không? Tôi nghĩ nếu mình sợ thì không làm được. Điều tôi mong muốn hiện nay là có thể xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm đan đát ra nước ngoài để có thể nâng cao thu nhập của bà con Khmer", chị Trương Thị Bạch Thủy  tâm sự.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn