Người phụ nữ Úc đến Việt Nam chống bạo lực gia đình

12:01 | 14/04/2022;
Từ đất nước Australia xa xôi, người phụ nữ đã tìm đến với Đông Nam Á, với Việt Nam cùng một suy nghĩ góp phần để phụ nữ không còn phải sống chung với bạo lực...

Muốn các bé gái Việt cũng được sống hồn nhiên như con gái mình

Sinh ra ở đất nước New Zealand xinh đẹp yên bình, sau đó theo gia đình đến sinh sống ở Australia, bà Carol Mortensen có một tuổi thơ êm đềm hạnh phúc. Chính vì thế khi trưởng thành bà đặc biệt quan tâm đến những phụ nữ, trẻ em kém may mắn là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Khi lựa chọn nghề nghiệp, bà đã chọn lĩnh vực về phát triển cộng đồng để hỗ trợ những nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực giới và lạm dụng.

Hơn 20 năm trước, bà Carol đã tìm đến với châu Á. Trong vòng 20 năm bà sống và làm việc ở Campuchia cũng là lúc bà dần biết đến Việt Nam bởi sự gần gũi về địa lý, văn hóa của 2 nước láng giềng và những đối tác Việt Nam. Từ thời điểm đó bà đã ấp ủ dự định sẽ tới Việt Nam sau khi kết thúc công việc ở Campuchia. Năm 2017 cơ hội đã đến và bà đảm nhận công việc là giám đốc điều hành Hagar Quốc tế tại Việt Nam.

Hagar là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1994 để đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương sau cuộc nội chiến ở Campuchia.

Năm 2009, Hagar Việt Nam được thành lập để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình thông qua văn phòng đại diện ở Hà Nội và các dự án vào cộng đồng và các khóa tập huấn.

Sống và làm việc tại Việt Nam bà bắt đầu hiểu nhiều hơn về đất nước hình chữ S và chuẩn mực văn hóa của con người nơi đây.

Một trong hai câu chuyện ấn tượng và "đeo đuổi" mãi với bà đó là một thân chủ được Hagar hỗ trợ từ khi là một cô bé chưa thành niên. Bà cùng với các nhân viên ở Hagar đã đồng hành cùng cô bé, giúp cô xoa dịu nỗi đau vượt lên tất cả hướng về phía trước. Bà và các nhân viên của mình đã xúc động và vui mừng khi cô bé trúng tuyển vào ngành công tác xã hội của một trường đại học.

Bà Carol và những nhân viên ở Hagar đều mong đợi ngày cô tốt nghiệp đại học và hy vọng cô sẽ đến làm việc ở chính Hagar. Bà Carol chia sẻ, Hagar giống như người làm vườn ươm một mầm cây, người ấy hàng ngày ngắm nghía và chứng kiến mầm xanh ấy lớn lên từng chút một...

Bà Carol tâm sự: Tôi có một con gái 18 tuổi và cô bé yêu Hà Nội như chính linh hồn của mình. Hàng ngày tôi nhìn con gái mình vui vẻ yêu đời và vì thế tôi muốn mọi trẻ em gái và phụ nữ Việt Nam cũng được sống hồn nhiên như con gái mình.

Ấn tượng với nghị lực của phụ nữ Việt

Sau gần 5 năm sống và làm việc ở Việt Nam, bà Carol tâm sự: "Ấn tượng lớn nhất của tôi chính là nghị lực của những người phụ nữ Việt Nam". Họ giàu lòng hy sinh và điều quan trọng là đầy nghị lực vươn lên sau những thăng trầm sóng gió của cuộc đời. Nhưng bà cũng nhanh chóng lý giải được nguồn cội của sức mạnh ấy chính là từ đức hy sinh của họ.

Nhiều thân chủ là những người từng trải qua bạo lực trên cơ sở giới hoặc nạn nhân bị mua bán đến với Hagar tìm sự hỗ trợ và dịch vụ xã hội. Họ đều đang chịu sang chấn và không dám mơ ước gì. Bà nhận thấy rằng họ đều quan tâm tới sự an toàn tương lai của con họ đầu tiên. Còn những lợi ích của bản thân thường bị họ xếp ở phía sau.

Người phụ nữ Úc đến Việt Nam chống bạo lực gia đình  - Ảnh 2.

Một buổi sinh hoạt của CLB phòng chống BLGĐ do dự án của Hagar thành lập.

Bà cũng nhận ra một nghịch lý: phụ nữ Việt Nam đầy nghị lực, mạnh mẽ, chủ động vươn lên nhưng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam vẫn còn cao và đại đa số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái. Kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam giúp bà hiểu rằng nguyên nhân chính của bạo lực giới chính là định kiến giới và khuôn mẫu giới.

Ở Việt Nam, ảnh hưởng của những quan niệm, dư luận của xã hội lên mỗi cá nhân vẫn còn rất lớn, bạo lực thường được xem là vấn đề riêng của gia đình. Do đó, việc lên tiếng về bạo lực thường khiến cá nhân và thậm chí gia đình của họ phải gánh chịu kì thị và cảm thấy xấu hổ.

Với nghị lực của phụ nữ Việt Nam tôi tin rằng nếu được hỗ trợ phù hợp, tất cả nạn nhân do bạo lực giới, mua bán và xâm hại đều có thể tìm thấy tự do, thoát ra khỏi hoàn cảnh đó và tạo lập cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình, hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Bà Carol Mortensen, Giám đốc điều hành Hagar Quốc tế tại Việt Nam

Định kiến giới khiến nhiều người ưa thích nam hơn nữ. Có những quan niệm hay ý kiến về nghề nghiệp phù hợp cho nam giới và nữ giới. Phụ nữ thường khó được nhìn nhận như người lãnh đạo của cộng đồng. Hay người phụ nữ có thể được bảo rằng bị chồng đánh là do họ không phải là người vợ tốt. Do đó, phụ nữ, đàn ông và cả cộng đồng tiếp tục trở thành nạn nhân của định kiến giới mà duy trì bởi chính cộng đồng đó. Nam giới tự cho mình quyền kiểm soát, thậm chí xâm hại phụ nữ về nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, kinh tế. Cũng chính định kiến giới khiến phụ nữ chấp nhận điều đó và định kiến giới ngăn cản những thành viên khác của cộng đồng can thiệp ngăn chặn bạo hành.

Người phụ nữ Úc đến Việt Nam chống bạo lực gia đình  - Ảnh 4.

Dự án của Hagar trao bò, hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Bà Carol kể một câu chuyện khác cũng khiến bà trăn trở. Đó là câu chuyện của 3 mẹ con bị lừa bán sang Trung Quốc. Người mẹ có hai con gái đứa lớn mới 16 tuổi và đứa nhỏ mới chỉ mới 14 tuổi. Người mẹ và đứa con gái nhỏ đã may mắn chạy thoát và trở về Việt Nam. Tuy nhiên, người con gái lớn thì đã bị bán cho người bản địa không rõ địa chỉ. Người mẹ đứng trước hai lựa chọn, hoặc nhanh chóng đưa con gái nhỏ hồi hương tạo lập cuộc sống mới, hoặc ở lại Trung Quốc để tìm kiếm đứa con gái lớn. Và đây có thể là cơ hội duy nhất để họ bỏ trốn và trở về nhà.

Sau rất nhiều dằn vặt cuối cùng người mẹ quyết định đưa con gái nhỏ về lại Việt Nam. Nhưng cũng từ giây phút đó, không một ngày nào chị thôi nghĩ đến đứa con gái lớn của mình và mặc cảm tội lỗi vì đã bỏ rơi con ở lại. Đặc biệt, ngay cả khi được Hagar hỗ trợ, người mẹ này chỉ tiếp nhận một sự hỗ trợ nhỏ về sinh kế và từ chối mọi trợ giúp vật chất khác, chị nói rằng mong ước lớn nhất của chị là tìm được đứa con đang lưu lạc nơi đất khách.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn