Báo Le Paria: Tiếng nói bênh vực phụ nữ, trẻ em

Trần Lê - Ảnh: Tuấn Dũng
13/04/2022 - 15:24
Báo Le Paria: Tiếng nói bênh vực phụ nữ, trẻ em

Trưng bày chuyên đề "100 năm Báo Le Paria" (Người cùng khổ)

Báo Le Paria với dấu mốc lịch sử 100 năm ra đời là di sản quý báu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để lại cho đất nước và nhân dân ta, là vũ khí đấu tranh cách mạng, phục vụ lý tưởng giải phóng đất nước, dân tộc.

Sáng 13/4, trong khuôn khổ chương trình Hội báo Toàn quốc 2022, lễ khai mạc Trưng bày chuyên đề "100 năm Báo Le Paria" (Người cùng khổ) đã chính thức diễn ra. Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm tờ báo ra đời dưới sự tham gia sáng lập, điều hành của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

"100 năm báo Le Paria": Lan tỏa ánh sáng nhân văn và phong cách, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh  - Ảnh 1.

Trưng bày chuyên đề "100 năm báo Le Paria" kéo dài từ ngày 13/4 đến 15/4/2022 tại Bảo tàng Hà Nội

Cách đây 100 năm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Ma rốc… đã thành lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản ngay tại Paris tờ báo Le Paria (Người cùng khổ).

Vào ngày 1/4/1922, Le Paria đã xuất bản tờ báo đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập, điều hành. Le Paria tố cáo sự lạm quyền về chính trị, độc đoán về hành chính, bóc lột về kinh tế mà nhân dân trên các lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại là nạn nhân. Le Paria khẳng định tôn chỉ, mục đích của mình ngay ở số đầu tiên phát hành là "vũ khí để chiến đấu" với sứ mạng "giải phóng con người".

"100 năm báo Le Paria": Lan tỏa ánh sáng nhân văn và phong cách, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh  - Ảnh 2.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng

Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.

Báo Le Paria duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Báo đã tạo được ảnh hưởng lớn đối với bạn đọc, đối với công luận Pháp và đặc biệt đối với phong trào yêu nước ở các thuộc địa.

Lần đầu tiên các ấn phẩm, hình ảnh của báo Le Paria xuất bản tại Paris 100 năm trước được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Những tư liệu quý về Báo Le Paria - tờ báo đặt dấu mốc cho báo chí cách mạng Việt Nam đã đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức sưu tầm và trưng bày tại Hội báo toàn quốc năm nay, góp phần lan tỏa ánh sáng nhân văn và phong cách, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh - di sản quý báu Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.

Báo Le Paria - Tiếng nói bênh vực phụ nữ, trẻ em

"Những tư liệu, hình ảnh về tờ báo, chắc chắn sẽ đem lại cho người xem những cảm xúc tốt đẹp, trân quý về một di sản đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta hôm nay". Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhấn mạnh.

"100 năm báo Le Paria": Lan tỏa ánh sáng nhân văn và phong cách, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh  - Ảnh 4.

Đây là dịp công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ ôn lại một thời kỳ lịch sử của dân tộc

Tiêu biểu như trong báo Le Paria số 5, ngày 01/8/1922, có bài viết LA FEMME ANNAMITE ET LA DOMUINATION FRANCAISE - PHỤ NỮ AN NAM VÀ SỰ ĐÔ HỘ CỦA PHÁP, Người viết: Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa.

Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi ta thấy rằng văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau, như tự do, công lý… được tượng trưng bằng hình ảnh một người đàn bà dịu hiền và được một hạng người nổi tiếng là hào hoa phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ.

Thói dâm bạo ở thuộc địa là một hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể nào tưởng tượng được. Ở đây chúng tôi chỉ tạm nêu ra một vài sự việc mà những người vô tư đã chứng kiến và kể lại những điều tai nghe mắt thấy, để chị em phụ nữ phương Tây hiểu rõ giá trị của cái gọi là "sứ mạng khai hoá" mà bọn tư bản đã giành lấy độc quyền thi hành, đồng thời hiểu rõ nỗi đau khổ của chị em phụ nữ ở thuộc địa.

Một người ở thuộc địa kể lại rằng: "Khi bọn lính kéo đến, dân chúng chạy trốn cả, chỉ còn lại hai cụ già và hai phụ nữ, một thiếu nữ còn tân và một phụ nữ đang cho đứa con mới đẻ bú, tay dắt một em gái nhỏ lên tám. Bọn lính đòi tiền, rượu mạnh và thuốc phiện. Không ai hiểu chúng nói gì, thế là chúng nổi giận lấy báng súng nện một cụ già ngất đi, rồi còn một cụ thì trong mấy giờ liền, hai tên trong bọn lính, khi kéo đến đã say bí tỉ, đem thiêu trong một đống củi cành khô làm trò vui với nhau. Trong khi đó, thì những tên khác hiếp hai phụ nữ và em gái nhỏ, chán rồi, chúng giết chết em bé. Lúc đó, người mẹ bồng đứa con kia trốn được, rồi từ trong một cái bụi cây cách đây độ 100 mét, trông thấy người chị em mình đang bị hành hạ. Duyên cớ làm sao, chị chẳng biết, chị chỉ thấy người thiếu nữ bị đặt ngửa trên mặt đất, tay chân bị trói chặt, miệng bị bịt lại, còn một tên lính thì lấy lưỡi lê cứ từ từ, từng nhát một, chọc vào bụng chị, rồi lại châm chậm rút ra. Sau đó, chúng chặt ngón tay người thiếu nữ đã chết để cướp lấy chiếc nhẫn và chặt cổ để cướp lấy chiếc vòng.

"Trên mảnh đất bằng phẳng trước kia là ruộng muối, ba cái xác chết nằm đó: em bé bị lột truồng, thiếu nữ bị mổ bụng, cánh tay trái cứng đờ giơ lên trời vô tình, bàn tay nắm chặt. Còn xác ông cụ già thì ghê gớm làm sao, cũng trần truồng như thế, nhưng vì bị thiêu cháy nên không nhận ra hình thù đuợc nữa, mỡ chảy lênh láng đã đọng lại và da bụng thì bị phồng lên, chín vàng, óng ánh như da con lợn quay vậy".

(Bản dịch bài viết LA FEMME ANNAMITE ET LA DOMUINATION FRANCAISE. Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2011)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm