Kỷ niệm "100 năm báo Le Paria", ôn lại một thời kỳ lịch sử

PV
05/04/2022 - 12:58
Kỷ niệm "100 năm báo Le Paria", ôn lại một  thời kỳ lịch sử

Các đại biểu tham gia tọa đàm chuyên đề “100 năm báo Le Paria"

Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) là dịp người xem ôn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và tìm hiểu thêm thông tin về một tờ báo có vị trí vai trò rất quan trọng trong nền báo chí cách mạng.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (1/4/1922 - 1/4/2022), hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2022), chào mừng Hội báo toàn quốc năm 2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp Liên Chi hội Nhà báo cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm và trưng bày chuyên đề "100 năm báo Le Paria" tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Minh Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Dịp kỷ niệm 100 năm báo Le Paria mỗi nhà báo sẽ được sống lại một thời kỳ lịch sử, hồi tưởng về những chi tiết, những nội dung mà đối với người làm báo là bài học vô cùng quý giá.

Kỷ niệm "100 năm báo Le Paria", ôn lại một  thời kỳ lịch sử  - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia tọa đàm chuyên đề “100 năm báo Le Paria"

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, 100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Ma-rốc… lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản ngay tại Pari tờ báo Le Paria (Người cùng khổ).

Báo Le Paria duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926) và xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức, đã tạo được ảnh hưởng lớn đối với bạn đọc, đối với công luận Pháp và đặc biệt đối với phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.

Tại tọa đàm, nhiều tham luận đã phân tích và làm rõ thêm bối cảnh xuất hiện báo Le Paria; mục đích, nội dung và những tác động tích cực của báo; giá trị định hướng phát triển báo chí cách mạng; từ đó có thể góp phần lan tỏa ánh sáng tư duy, phong cách, giá trị nhân văn, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh – di sản quý báu mà Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.

Kỷ niệm "100 năm báo Le Paria", ôn lại một  thời kỳ lịch sử  - Ảnh 2.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria (01/4/1922 – 01/4/2022)”

Dịp này, Ban tổ chức trưng bày trên 40 tài liệu, hiện vật liên quan đến tờ "Người cùng khổ" và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tiêu biểu có: Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria ngày 10-2-1922; trưng bày 29 số báo Le Paria đã xuất bản, 26 số báo (trong đó có tờ số 1 và số cuối cùng) sưu tầm từ Pháp; bản thảo viết tay sách "Bác Hồ ở Pháp" của nhà báo Hồng Hà; trưng bày tranh sơn dầu "Người đi tìm hình của nước" của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng…

Chương trình trưng bày "100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) diễn ra đến ngày 19/5/2022.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm