Mo cau xứ Tiên
"Tiên Phước là xứ ngàn cau/Trái xanh dạm ngõ, mo cau làm quà", đó là câu thơ truyền miệng của người dân Tiên Phước, cũng nói lên điều tự hào về sản vật đặc trưng của xứ xở này, đó là cây cau. Tiên Phước cũng là nơi mà chị Phan Vũ Hoài Vui sinh ra và lớn lên, sau bao nhiêu năm xa nhà, giờ lại trở về với khát khao tạo cho cây cau có một sức sống mới, mãnh liệt hơn.
Chị Vui kể, tình yêu của chị bắt đầu từ cái quạt mo của ngoại, là ký ức về những tháng năm chưa có đồ nhựa và quạt máy nhiều như bây giờ. Chị yêu cái hương cau quyện vào hương bưởi thơm nồng, yêu cả cái dáng đứng hiên ngang thẳng thắn của cây cau trong nắng mai, trong cả nắng chiều. Rồi những ngày rời quê lên Tp.HCM lập nghiệp, chị chứng kiến những bữa cơm vội vàng được đựng trong hộp xốp, những khay xốp, khay nhựa trong các quầy hàng trong siêu thị, những buổi đi picnic cùng bạn bè, đồng nghiệp… đều dùng xốp và nhựa, sau khi dùng xong lại tràn tràn vứt ra môi trường. Điều đó thật sự khiến chị cảm thấy buồn và trăn trở rất nhiều.
Và trong chuyến về thăm nhà chị nhìn thấy chiếc mo cau rụng ở góc sân, chị nhặt lấy và làm một cái quạt mo thật đẹp, mân mê và rồi từ đó chị nhận ra có lẽ cái bẹ cau này có thể làm nên những điều đẹp đẽ khác.
Trở lại Tp.HCM chị bắt đầu tìm hiểu, lên kế hoạch và tìm người tư vấn dự án về mo cau của mình. Nhận được sự ủng hộ, những cái gật đầu tin tưởng từ những người thầy, những đồng sự, chị dồn hết tiền tích góp bao nhiêu năm tuổi trẻ bắt đầu con đường "bỏ phố về quê" lượm mo cau và xây dựng thương hiệu mang tên mảnh đất quê hương "Mo cau xứ Tiên".
"Lần này trở về quê là chính thức bắt đầu đi trên một con đường mới. Vẫn biết sẽ phải bước từng bước một với vô vàn những điều mới mẻ và cũng vô cùng khó khăn nhưng tôi tự nhủ sẽ cố gắng gấp trăm ngàn lần", chị Vui chia sẻ.
Thành công từ sản vật xứ ngàn cau
Về quê khởi nghiệp từ chiếc bẹ cau, chị Vui thấy điều may mắn lớn nhất mà mình có được là sinh ra và lớn lên ở vùng cau Tiên Phước, nơi được mệnh danh là xứ ngàn cau. Có được sự yêu thương, giúp đỡ của bà con quê hương, đặc biệt là hội phụ nữ huyện, xã, chị Vui càng quyết tâm hơn với việc đưa sản phẩm mo cau đi xa hơn.
Bước đầu thực hiện dự án, chị cũng gặp không ít khó khăn, đó là việc tiếp cận với các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất. Sau đó là do thời tiết miền Trung khá khắc nghiệt, bão lũ rất nhiều, nguồn nguyên liệu luôn có nguy cơ bị ảnh hưởng. Cùng với đó, nhân công hầu hết là phụ nữ trong xã chưa có tay nghề nên phải mất nhiều thời gian để huấn luyện sản xuất và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Xưởng mở ở vùng xa nên giao thông không thuận tiện, việc giao nhận hàng hóa gặp nhiều khó khăn và chi phí rất cao.
Tuy nhiên, chị Vui tự nhủ "Đừng sợ hãi với sự khởi đầu mới, đừng ngại ngần với những con người mới, những nguồn năng lượng mới. Để rồi mình cũng từng bước vượt qua từng khó khăn, hôm nay dong thuyền ra khơi".
Kiên nhẫn với con đường mình đã chọn, chị vui bắt tay vào thiết kế và sản xuất những sản phẩm đặc thù mang đậm chất thương hiệu Mo cau xứ Tiên. Chiếc mo cau vốn dĩ là bản thiết kế hoàn hảo nhất của thiên nhiên, mỗi chiếc bẹ cau là độc nhất vô nhị, vì thế chị Vui đã tận dụng đặc điểm này để làm nên những sản phẩm độc nhất vô nhị của mình.
Những sản phẩm Mo cau Xứ Tiên được làm ra không có mùi hương công nghiệp hoặc được khử mùi, mà nó được giữ nguyên hương thơm thoang thoảng của mo cau, thứ mùi dương dịu nhẹ như mùi cau sấy.
"Mỗi sản phẩm của chúng tôi tạo ra đều duy nhất. Nó đem đến cho khách hàng của chúng tôi cảm giác được trở về với tuổi thơ, với thiên nhiên, với tất cả những gì bình dị và mộc mạc nhất. Những sản phẩm có thể làm dịu mát tâm hồn bằng chất liệu mộc mạc và bằng hương thơm thoang thoảng sẽ là trải nghiệm hoàn hảo nhất cho những người yêu thiên nhiên", chị Vui hạnh phúc chia sẻ.
Hiện tại Mo cau xứ Tiên có 16 mẫu sản phẩm từ khay, chén, đĩa, muỗng, hộp và quạt. Các sản phẩm đều làm hoàn toàn từ bẹ cau tự nhiên, thay thế hộp xốp nhựa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và lại an toàn cho sức khỏe của người sử dụng.
Mặc dù trong năm qua, dịch Covid-19 khiến cho thị trường ngưng trệ, các nhà hàng đóng cửa, ngành du lịch cũng đứng yên đã ảnh hưởng rất lớn đến sức tiêu thụ của sản phẩm, nhưng chị Vui đã kịp thời chuyển hướng tiếp cận mới. Tại thị trường trong nước, Mo cau xứ Tiên thực hiện bán hàng qua các đại lý và nhà phân phối. Kênh bán lẻ thực hiện đối với các nhà hàng mang phong vị quê hương, resort, homestay, khu du lịch, các công ty thực phẩm sạch… và đang hướng đến xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Không chỉ mang sản phẩm quê hương bay cao, bay xa, dự án Mo cau xứ Tiên còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.
Theo chị Vui, quý 1 năm 2021, giá trị thu mua của Mo cau xứ Tiên là 200 triệu đồng; dự tính trung bình một năm thu mua từ các hộ nông dân từ 300 đến 400 nghìn bẹ cau, mang lại lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao giá trị phế phẩm nông dân trồng cau cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn
"Nhân sự của Mo cau xứ Tiên có hơn 80% là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Việc phát triển của Mo cau xứ Tiên sẽ tăng nguồn thu nhập cho các thành viên hợp tác xã, giúp cho chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập ổn định và giúp phụ nữ tự tin hơn trong cuộc sống của mình. Mo cau xứ Tiên trích một phần lợi nhuận giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Dự tính mùa hè năm 2022, sẽ mở lớp học mùa hè và tủ sách xứ Tiên dành cho các em bé có hoàn cảnh khó khăn của xã", chị Vui cho biết.
Thương hiệu Mo cau xứ Tiên
Địa chỉ: Tiên Phước, Quảng Nam;
Số điện thoại: 070 2270999;
Email: phanvuhoaivui@gmail.com;
Fanpage: https://www.facebook.com/mocauxutien;
Website: Arecavn.com
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn