Dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp ở nhiều nơi, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Tuy nhiên từ cuối năm 2021, các hoạt động kinh tế đang được hồi phục dần. Các công tác chuẩn bị Tết dương lịch, Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai sớm.
Tại hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện ích… tại Hà Nội, trong dịp Tết dương lịch, các sản phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cuối năm như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát… phong phú về chủng loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp, cửa hàng, siêu thị cũng cũng đưa ra hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm hấp dẫn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Cụ thể, tại hệ thống đại siêu thị GO, Big C, chuỗi siêu thị Tops Market có chương trình "Giá luôn luôn thấp" được áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách "Khóa giá", cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, áp dụng với hàng ngàn sản phẩm... Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon áp dụng chương trình giảm giá tới 40% cho các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, rau củ, gia vị…
Khảo sát tại các chợ truyền thống, trong 3 ngày đầu năm 2022, nguồn cung hàng hóa ổn định với đa dạng các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Chị Nguyễn Hồng Ly (người nội trợ, Q. Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Giá thực phẩm trong những ngày đầu năm 2022 luôn ở mức ổn định, ví dụ thịt bò dao động từ 220.000 - 280.000 đồng/kg, thịt lợn từ 100.000 - 140.000 đồng/kg. Cá nước ngọt dao động từ 45.000 đến 80.000 đồng/kg, tùy chủng loại. Đặc biệt, các mặt hàng rau xanh, trái cây vụ đông nhiều loại đang vào thời điểm thu hoạch nên có mức giá khá rẻ. Tuy nhiên, các mặt hàng trứng gà, trứng vịt tăng giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/chục.
Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên thị trường dịp đầu năm dương lịch 2022 và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các địa phương cũng như các doanh nghiệp đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, trong đó có tính đến phương án dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Cụ thể, theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô mua sắm dịp Tết đã được đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký gần gấp 3 lần kế hoạch dự kiến ban đầu. Đến nay, tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện là 18.000 tỷ đồng.
Sở Công Thương TPHCM công bố thành phố đã chuẩn bị hơn 19.800 tỷ đồng hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết Nhâm Dần. Các điểm hàng bình ổn cũng được nhiều tỉnh, thành phố lên phương án tổ chức, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người tiêu dùng.
Song song với việc chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ người dân mua sắm theo hình thức truyền thống tại các điểm bán trực tiếp, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng đang được đẩy mạnh phân phối qua kênh bán hàng trực tuyến, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi, đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn