Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Minh Ngọc chuyên khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết trong Đông Y có một số cây thuốc và vị thuốc dân gian giúp bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý đàn ông. Phổ biến nhất có thể kể đến như Ba Kích, Dâm Dương Hoắc, Nhục Thung Dung, Phúc Bồn Tử, Đương Quy, Hoài Sơn…
Ba Kích còn có tên là cây ruột gà, ba kích thiên, tên khoa học là Morinda Officinalis Stow. Ba Kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có tác dụng bổ thận, tráng dương, trị liệt dương, di tinh, tăng cường sức khỏe, trừ phong thấp. Thực tế hiện nay có 2 loại ba kích phổ biến là ba kích trắng và ba kích tím, trong đó ba kích tím với thân to, hình chuỗi ngọc, nạc dày, sắc tím là loại tốt.
Dâm dương hoắc thuộc họ Hoàng liên gai, tên khoa học là Epimedium, ngoài ra còn có nhiều tên gọi như Cương tiền, Phương trượng thảo, Thiên lưỡng kim,… có vị cay ngọt, tính ấm, có công dụng ôn thận tráng dương, cường gân tráng cốt, khử phong trừ thấp.
Nhục Thung Dung được ví là "nhân sâm sa mạc" bởi loài thảo dược này quý như nhân sâm và chỉ mọc ở các vùng hoang mạc đầy cát và nắng. Theo Đông y, Nhục Thung Dung có vị ngọt, mặn, tính ấm có tác dụng bổ thận, ích tinh, huyết.
Bác sĩ Minh Ngọc cho biết: "Theo các nghiên cứu hiện đại, các vị thuốc trên chứa nhiều chất hữu ích như các acid hữu cơ, anthraglucoside, phytosterol, tinh dầu, vitamin C, L-Arginin, flavonoid, saponosid, phytosterol, axít béo, vitamin E. Những chất này giúp kích thích sản xuất hormone sinh dục, tăng lưu lượng máu, cải thiện chức năng tình dục. Ngoài tán bột mịn, hoàn viên, sắc thuốc, thì ngâm rượu cũng là một trong những phương pháp chế biến các vị thuốc kể trên".
Trên thực tế, rất nhiều nam giới tìm mua những bài thuốc được quảng cáo tràn lan trên mạng, không có nguồn gốc rõ ràng, không theo đơn của bác sĩ Y học cổ truyền dẫn đến dùng sai cách, vừa không có tác dụng, vừa có hại cho cơ thể.
Theo bác sĩ Minh Ngọc, nam giới muốn dùng các loại dược liệu trên để phòng và trị bệnh, nâng cao sinh lý thì cần phải sử dụng các vị thuốc đã được chế biến đúng cách. Đặc biệt, nam giới cần phải uống theo đơn của bác sĩ Y học cổ truyền bởi nếu dùng quá liều sẽ không tốt cho sức khoẻ.
"Ngoài các vị thuốc Đông Y, hiện nay, nhiều người thường có thói quen dùng rượu ngâm có nguồn gốc từ động vật với mong muốn điều trị bệnh tật hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể như: tắc kè, rắn, cá ngựa, bìm bịp, hải mã, hải sâm,… Tuy nhiên, hiệu quả trong việc tăng cường sinh lý, bản lĩnh đàn ông của các loại rượu ngâm có nguồn gốc động vật vẫn chưa được kiểm chứng và chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh", bác sĩ Minh Ngọc nói.
Chuyên gia Nam học phân tích thêm rằng lợi ích của các loại rượu ngâm động vật vẫn chưa thấy rõ nhưng trước mắt việc sử dụng rượu đã đem lại nhiều nguy cơ. Rượu thuốc nếu uống vô tội vạ thì sẽ gây ra ngộ độc, dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp hoặc nhiễm khuẩn đường ruột...
Đặc biệt với các loại rượu ngâm động vật, nồng độ cồn sẽ bị giảm dần theo thời gian nên chất đạm tiết ra từ động vật có thể bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn… từ đó làm tăng nguy cơ ngộ độc.
"Thậm chí nhiều người cho rằng ngâm nhiều loại động vật chung với nhau sẽ càng phát huy tác dụng. Điều này là phi khoa học, tiềm ẩn nguy cơ và có thể gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, một số loài động vật cũng cần được sơ chế, loại bỏ các thành phần gây độc trước khi ngâm.
Nam giới tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây hoặc động vật không rõ nguồn gốc để ngâm rượu", bác sĩ Minh Ngọc lưu ý thêm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn