pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 loại ngũ cốc là “gạo trường thọ”, ít người biết cách tận dụng
Cho dù thức ăn có ngon hay không, chúng ta đều phải ăn ngày ba bữa. Ăn uống trước hết là lấy chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động sống và giúp cơ thể khỏe mạnh, sau đó mới nói đến việc ngon hay không. Tuy nhiên, với điều kiện vật chất ổn định và dư giả như ngày nay, chúng ta lại muốn thỏa mãn vị giác trước và thường xuyên xem nhẹ vấn đề sức khỏe.
Mặc dù thói quen ăn uống ở các vùng khác nhau nhưng về cơ bản đều sử dụng ngũ cốc làm thức ăn chính, như mì hay cơm. Tinh bột dồi dào trong các loại ngũ cốc là nguồn nhiệt chính của cơ thể vì đây là một polysaccharide (loại đường chuyên biệt hay còn gọi là “đường đa”) cần được dạ dày nghiền nát và chia nhỏ và đi vào ruột non. Sau nhiều lần phân hủy, tinh bột sẽ trở thành phân tử đường đơn trước khi có thể được đưa vào máu. Do đó, để cơ thể có thể hấp thụ, chúng ta phải ăn nhiều tinh bột.
Trong các loại thực phẩm từ ngũ cốc thì gạo và lúa mì là phổ biến nhất. Tuy nhiên, có ba loại ngũ cốc được gọi là “gạo trường thọ” có thể dùng thay thế lương thực chính và có giá trị dinh dưỡng rất cao rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, ba loại ngũ cốc này lại thường xuyên bị chúng ta bỏ qua, thậm chí đa phần là được sử dụng để nuôi động vật trong nhà.
1. Bắp
Bắp có vị ngọt, có tác dụng bổ tỳ vị, là vị thuốc dưỡng can rất tốt.
Ngoài giàu tinh bột, bắp còn có nhiều chất béo không bão hòa nên thường được dùng để lấy dầu. Bắp rất giàu vitamin E, giúp giãn mạch, tăng cường nhu động thành ruột, thúc đẩy quá trình đào thải chất thải và có thể ức chế quá trình oxy hóa axit béo không bão hòa, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.
Bên cạnh đó, bắp còn chứa canxi, sắt, magie, selen và các khoáng chất khác. Tuy nhiên, dù được công nhận là một trong những thực phẩm “trường thọ”, bắp lại “bị” người dân cho gia súc ăn nhiều hơn.
2. Yến mạch
Bột yến mạch có vị ngọt, tính ấm, có công dụng bồi bổ tỳ vị, dạ dày, thông ruột, được dùng làm thuốc từ xa xưa.
Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy bột yến mạch chứa nhiều protein hơn bất kỳ loại ngũ cốc nào, rất giàu vitamin B cũng như chứa nhiều loại khoáng chất, các nguyên tố vi lượng canxi và sắt.
Bột yến mạch cũng chứa nhiều tinh bột, là nguồn cung cấp năng lượng đặc biệt tốt. Vì giàu chất xơ thực vật nên yến mạch có thể giữ nồng độ đường trong máu, rất hữu ích để duy trì cân nặng hợp lý và cũng là một loại thuốc nhuận tràng. Đây là loại ngũ cốc thích hợp cho người già ăn, cần lưu ý nếu dùng để nấu cháo thì nên nấu loãng càng tốt, mỗi lần không nên ăn quá nhiều.
3. Gạo lứt
Gạo lứt khác gạo trắng ở lớp “áo” bên ngoài. Trong quá trình chế biến, gạo trắng sẽ được xay xát kỹ càng và bỏ đi phần trấu, cám và mầm gạo. Trong khi đó, gạo lứt vẫn giữ được sợi cám, mầm gạo và phần nội nhũ giàu carbohydrate, chỉ tách lớp cám ngoài cùng nên rất giàu chất dinh dưỡng.
Đây còn là loại thực phẩm đại diện cho chế độ ăn uống lành mạnh, là thực phẩm vàng giúp giảm cân vì khi tiêu thụ nhiều chất xơ sẽ khiến cơ thể có cảm giác no lâu, dẫn đến làm giảm nhu cầu tiêu thụ calo.
Gạo lứt thường chứa nhiều chất xơ thực vật nên thô và khó làm mềm, không thích hợp cho trẻ em có chức năng tiêu hóa chưa hoàn thiện, người già muốn ăn phải nấu kỹ.
Vì gạo lứt có thêm một lớp “áo gạo” so với gạo trắng, sau khi vào cơ thể sẽ lâu mềm hơn nên có lợi hơn cho việc duy trì ổn định lượng đường trong máu. Một lượng lớn chất xơ trong gạo lứt có thể thúc đẩy nhu động ruột, cải thiện chức năng tiêu hóa và hấp thụ của cơ thể.
Cần lưu ý rằng so với gạo thông thường, gạo lứt chứa nhiều nguyên tố vi lượng hơn nhưng vì ít độ mềm dẻo nên thích hợp để nấu cháo hơn nấu cơm.
Lão hóa là quy luật tất yếu của cuộc sống, nhưng lại có liên quan mật thiết đến thói quen sinh hoạt của con người. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng những thói quen sinh hoạt tốt, đồng thời phải chú ý kết hợp hợp lý các chế độ ăn uống để tránh những nguy cơ gây bệnh. Ba loại ngũ cốc trên có thể dùng thay thế cho lương thực hàng ngày, ngoài ra còn có cao lương, hạt kê, kiều mạch và các loại ngũ cốc khác cũng rất tốt cho sức khỏe, mọi người nên tận dụng nhiều hơn để làm phong phú thêm bữa ăn hằng ngày.