Không còn phải chạy lụt
Nhiều người Việt Nam hẳn vẫn còn nhớ, tháng 9 và 10, năm 2020, các tỉnh miền Trung đặc biệt là Thừa Thiên - Huế liên tiếp hứng chịu hai cơn bão số 5, số 9 và đợt mưa lũ lịch sử lớn nhất trong 20 năm qua. Nước lụt mênh mông khắp nơi gây thiệt hại rất lớn. Là vùng thấp trũng, khu vực thôn Phú Lộc, xã Phong Chương, huyện Phong Điền bị ngập sâu nhất.
Ông Trần Tạo, cán bộ xã Phong Chương nhớ lại: "Nước lên rất nhanh, bà con trở tay không kịp, thiệt hại về của cải, người rất lớn. Suốt nhiều năm qua, địa phương tôi thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, bà con rất là vất vả, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em. Cứ mưa bão là cán bộ xã lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên".
Trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, khu vực nhà của bà Hoàng Thị Thoàn (74 tuổi, sống 1 mình) bị ngập sâu nhất, tới 1,4m. Mặc dù vậy, thiết kế nhà của bà Thoàn có sàn chống lụt cao 2,5m, với hiên lan can tầng 2 kiên cố đã đảm bảo cho bà Thoàn thoát hiểm an toàn và đảm bảo cho việc tiếp cận cứu hộ trong đợt lũ lịch sử này.
Bà Thoàn kể: "Trước đây, tôi ở trong ngôi nhà lụp xụp, khi có bão đều phải nhờ sự hỗ trợ của địa phương. Từ khi được nhà nước hỗ trợ xây dựng ngôi nhà chống bão, lụt này, tôi yên tâm hơn. Lúc mưa lũ vẫn ở được trên gác, không phải lo lắng".
Trong khi các hộ dân xung quanh đều phải di dời gấp gáp, bà Thoàn vẫn bình tâm ở lại trong ngôi nhà kiên cố của mình. "Nước lũ mênh mông, tôi vẫn yên tâm ở trên gác 2 nhà mình chờ cán bộ đến tiếp tế lương thực. Các hộ xung quanh đều phải đi sơ tán hết do không có sàn nhà cao như nhà tôi"- bà Thoàn nhớ lại.
Bà Hồ Thị Vy, Trưởng thôn Phú Lộc cho hay, ngôi nhà của bà Thoàn nằm trong dự án xây dựng Nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho những hộ dân nghèo ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Đây là một sáng kiến chung giúp cộng đồng chống chọi với các rủi ro và tác động liên quan đến khí hậu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Xây dựng, với sự hợp tác chặt chẽ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Khí hậu Xanh.
Sáng kiến này kết hợp hỗ trợ viện trợ không hoàn lại và chương trình nhà ở quy mô lớn của Chính phủ để xây dựng các ngôi nhà chống bão và lũ lụt ở một số địa điểm dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất của Việt Nam.
Bà Vy cho hay, mỗi khi mưa bão về, cán bộ thôn, xã đều rất lo lắng, thôn tôi thường bị cô lập hoàn toàn. Chúng tôi phải đi từng nhà đưa người già neo đơn đến nơi an toàn, sau đó phải lo đến vấn đề hậu cần. Vì vậy những ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt có ý nghĩa vô cùng thiết thực đối với người dân trong thôn chúng tôi.
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành quyết định số 48 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, chống bão lũ. Cùng với đó là Dự án Tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu… được triển khai trên địa bàn 7 tỉnh từ năm 2018 đến giờ.
Tại Thừa Thiên - Huế, Dự án được triển khai với 3 hợp phần; hợp phần hỗ trợ xây dựng 731 căn nhà, dự kiến năm 2022 sẽ được phẩn bổ tăng thêm 101 nhà. Ngoài nguồn kinh phí dự án có cân đối ngân sách địa phương và kêu gọi cộng đồng.
Chương trình cũng hỗ trợ chúng tôi nhiều dự án khác, trồng mới 40ha rừng ngập mặn ở xã Hương Phong, Hương Trà. Đây là những dự án hết sức có ý nghĩa hạn chế thiên tai gây ra.
Yên tâm ở trong nhà chống bão
Sau mỗi cơn bão lớn, nhiều làng biển ở khu vực miền Trung nơi bão quét qua trở lên xơ xác, tiêu điều. Còn nhớ cơn bão số 9 năm 2020 với sức gió mạnh chưa từng thấy trong nhiều năm đã càn quét, tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
Bão dữ đi qua, cũng như nhiều địa phương khác, làng biển Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xác xơ, hoang tàn. Trong khi nhiều gia đình trong thôn bị thiệt hại nặng nề thì gia đình bà Nguyễn Thị Huyên hầu như không bị thiệt hại do ngôi nhà của bà là Nhà an toàn chống chịu bão, lụt.
Bà Huyên chia sẻ: "Trước đây, tôi ở trong ngôi nhà ọp ẹp, mỗi khi mưa bão đến tôi sợ đến mất ăn, mất ngủ. Năm 2019, ngôi nhà của tôi bị bão đánh cho tả tơi, chỉ còn lại cái vách. Năm 2020, tôi được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà mới có sàn chống lũ cao 2m. Trong cơn bão số 9, gia đình tôi được an toàn trong khi những gia đình khác phải di dời đi chỗ khác. Có 2 hộ dân gia đình ở gần nhà tôi đã phải đến ở nhờ nhà tôi để tránh bão. Từ ngày có ngôi nhà an toàn này, khi bão lũ đến tôi còn phải lo sợ như trước kia nữa".
Ông Nguyễn Đình Lâm, cán bộ xã Bình Thuận cho biết thêm: "Cơn bão số 9 quét qua xã đã làm 22 ngôi nhà tốc mái từ 50-70%, 120 nhà tốc mái từ 30-50%, 700 ngôi nhà tốc mái dưới 30%, riêng những ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt vẫn đảm bảo an toàn, không bị tốc mái. Cho đến nay, xã chúng tôi được xây dựng 30 ngôi nhà như thế và đã bàn giao cho hộ nghèo sử dụng. Bà con chưa bao giờ dám ước mơ có một ngôi nhà vững chắc như thế nên rất vui mừng và yên".
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển miền Trung, hàng năm hứng chịu nhiều thiên tai bão, lụt. Đặc biệt những năm gần đây, tần suất bão, lụt xảy ra rất cực đoan, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, hoa màu.
Trước tình hình thiên tai phức tạp, cực đoan, người dân bị thiệt hại nặng nề vì thiên tai, tỉnh Quảng Ngãi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, UNDP là tổ chức có nhiều sự hỗ trợ dân sinh và rất thiết thực, cần thiết được người dân và chính quyền hưởng ứng, đánh giá rất cao.
Dự án thành phần Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai đã góp phần xây dựng 683 ngôi nhà an toàn phòng chống bão lũ tại 5 huyện ven biển Quảng Ngãi. Các ngôi nhà này đã góp phần bảo vệ an toàn cho người dân nghèo qua các cơn bão lụt, đặc biệt là cơn bão số 9 rất tàn khốc năm 2020.
Những ngôi nhà an toàn phòng bão lũ cho hộ dân nghèo ven biển
Trong năm 2022, Dự án thành phần của Quỹ Khí hậu xanh tại Quảng Ngãi tiếp tục xây dựng 22 nhà an toàn phòng bão lũ cho hộ dân nghèo ven biển tại Quảng Ngãi.
Bên cạnh việc xây dựng nhà đảm bảo an toàn, chống chịu bão lũ và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Quỹ Khí hậu xanh và UNDP còn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ trồng mới và khôi phục hơn 80 ha rừng ngập mặn tại Quảng Ngãi. Cụ thể là khu rừng ngập mặn Bầu Cái rất nổi tiếng hiện đã phát huy tác dụng nhằm ứng phó biến đổi khí hậu như bức tường xanh giúp bảo vệ nhà cửa, công trình ven biển.
Tính đến nay, 4100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã được hỗ trợ xây dựng cho những hộ dân nghèo ở các tỉnh ven biển miền Trung. Đánh giá về hiệu quả từ những ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt, bà Caitlin Wiesen, nguyên Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: "Tất cả những ngôi nhà này đã chống chọi rất tốt với những cơn bão liên tiếp và lũ lụt quy mô lớn đổ bộ vào Việt Nam vào năm 2020. Những ngôi nhà này đã bảo vệ an toàn cuộc sống, sinh kế của người dân và tại nhiều cộng đồng, bảo vệ những người hàng xóm sống gần đó".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn