Sáng 16/8, TƯ Hội LHPN VIệt Nam đã phối hợp với Kênh VTC16 tổ chức buổi livestream "Thương mại điện tử - Nâng tầm OCOP" với sự tham gian của 4 khách mời là: Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương Bùi Huy Hoàng; nhà sáng lập Monkey in Black, chuyên gia về marketing trên mạng xã hội Trần Thanh Tùng (Tùng BT); Sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Ecom Group - Make Ecommerce Easy Vũ Duy Khánh và Chủ thương hiệu July House và đồng sáng lập dự án BeeComm Trần Lâm.
Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương Bùi Huy Hoàng cho biết: Thời gian gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam có sự tăng trưởng và tiếp cận rộng rãi hơn trước. Ngoài xu hướng phát triển, lợi ích mang lại, trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp như hiện tại, thương mại điện tử đã trở thành một cú hích buộc các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh, tiếp cận khách hàng.
Thương mại điện tử không phải là khái niệm quá to tát, mà là xây dựng một kênh mua bán, sử dụng điện tử là phương thức để đạt được mục tiêu của người mua và người bán. Với nhiều hình thức khác nhau như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website mua bán trực tuyến… thương mại điên tử giúp người bán bán được nhiều hơn và người mua mua được hàng chất lượng với chi phí thấp hơn.
Thương mại điện tử hiện đang được xem là xu thế tất yếu. Người tiêu dùng, doanh nghiệp hay một cá nhân muốn bán hay mua hàng đều chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể thực hiện các giao dịch một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đây còn là một kênh marketing quan trọng để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Với kinh nghiệm hơn 4 năm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, anh Trần Lâm, Chủ thương hiệu July House và đồng sáng lập dự án BeeComm nhấn mạnh: Giai đoạn này thực sự là thời điểm, là cơ hội thuận lợi để chị em bắt đầu kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và các kênh mạng xã hội. Lợi thế của kênh bán hàng điện tử so với các kênh bán hàng truyền thống là giúp thương hiệu phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp cận khách hàng chủ động, trên phạm vi rộng và có nhiều cơ hội hơn.
Hiện nay, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương và các sàn thương mại điện tử, đều đưa ra nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm đạt chứng nhận OCOP lên sàn.
Theo chia sẻ từ anh Vũ Duy Khánh, sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Ecom Group - Make Ecommerce Easy, các chủ thể OCOP có thể chủ động đăng các sản phẩm của mình lên sàn, không cần phải qua một đơn vị trung gian nào. Một số sàn thương mại điện tử còn có những hướng dẫn chi tiết và có nhân viên tư vấn, hỗ trợ trong thời gian từ 1-6 tháng để bạn có thể làm quen, vận hành và kinh doanh gian hàng của mình.
Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương Bùi Huy Hoàng thông tin: Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, tiêu thu quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mai điện tử. Cụ thể như Bộ Công Thương đã xây dựng các Gian hàng Việt trực tuyến – siêu thị hàng Việt trên 6 sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Sendo, Voso… để hỗ tợ phát triển thương hiệu Việt và các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của các địa phương.
Chị em phụ nữ khởi nghiệp, các chủ thể OCOP cũng có thể vào trang web http://online.gov.vn/Online.gov.vn để được hỗ trợ. Đây là hệ thống quản lý thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và giúp cho người dân, doanh nghiệp có thể gửi phản ánh, khiếu nại trực tuyến về các tranh chấp trong thương mại điện tử.
Dù việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với những hỗ trợ từ nhiều phía, cộng với sự nỗ lực học hỏi của chính bản thân mỗi chủ thể, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với phụ nữ khởi nghiệp trên mọi miền đất nước.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn