Thương mại điện tử nâng tầm sản phẩm OCOP

Trần Lê
14/08/2021 - 10:56
Thương mại điện tử nâng tầm sản phẩm OCOP

Thông qua chương trình OCOP, ngày càng có nhiều phụ nữ mạnh dạn, năng động, vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa. Ảnh: Trần Lê

Phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là các chủ thể OCOP cần phải chuẩn bị những gì để kinh doanh trực tuyến thành công? Tọa đàm “Thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm OCOP” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp sẽ cung cấp cho chị em những thông tin hữu ích.

Thống kê cho thấy, có tới 73,7% dân số Việt Nam hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giải trí, liên hệ bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, mẹo vặt cuộc sống và kể cả quảng cáo bán hàng. Điều này chứng tỏ, thương mại điện tử hiện đang được xem là xu thế tất yếu, khi mà công nghệ số, những hỗ trợ về công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến. Người tiêu dùng, doanh nghiệp hay một cá nhân muốn bán hay mua hàng đều chỉ cần 1 chiếc smartphone cũng có thể thực hiện các giao dịch một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Trong kỷ nguyên 4.0, có rất ít hoặc không có sự lựa chọn nào ngoài việc chuyển đổi số. Phụ nữ khởi nghiệp, cũng như bất kỳ ai khác, đó là phải nỗ lực để tham gia vào thương mại điện tử. Hiện tại, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chuỗi tiêu thụ nông sản, thực phẩm bị đứt gãy, thương mại điện tử đang là giải pháp nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm hữu hiệu. Tuy nhiên, đại đa số chị em thì vẫn còn rất bỡ ngỡ với quá trình đưa và quản lý bán hàng trên các kênh thương mại điện tử.

Vậy phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có các chủ thể của các sản phẩm OCOP, phụ nữ khởi nghiệp ở vùng nông thôn cần chuẩn bị tâm thế, hành trang và nguồn lực gì khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến thành công?

Thương mại điện tử nâng tầm sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Các khách mời tham gia chương trình Tọa đàm Thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm OCOP do Hội LHPN Việt Nam phối hợp thực hiện

Tọa đàm Thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm OCOP do Hội LHPN Việt Nam phối hợp thực hiện sẽ nhằm mục đích cung cấp thêm cho chị em những kiến thức, kỹ năng và bí quyết sử dụng các công cụ thương mại điện tử có hiệu quả,

4 khách mời tham gia chương trình là: Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương Bùi Huy Hoàng; nhà sáng lập Monkey in Black, đồng sáng lập dự án giáo dục giới tính online Yêu là đủ, cộng đồng hài độc thoại Sài Gòn Tếu – chuyên gia về marketing trên mạng xã hội Trần Thanh Tùng (Tùng BT); Sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Ecom Group - Make Ecommerce Easy Vũ Duy Khánh và Chủ thương hiệu July House và đồng sáng lập dự án BeeComm Trần Lâm. 

Các khách mời sẽ giải đáp những thắc mắc của phụ nữ khởi nghiệp liên quan đến thương mại điện tử, cách các chủ thể OCOP có thể tận dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để kinh doanh, những khó khăn, thách thức sẽ gặp phải và những chia sẻ kinh nghiệm thực tế để bán hàng thành công… Những chia sẻ này không chỉ giải đáp được những thắc mắc của chị em mà còn góp phần tạo thêm động lực, cảm hứng để chị em có thể chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ thông qua thương mại điện tử một cách hiệu quả nhất.

Tọa đàm Thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm OCOP do Kênh VTC16 và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp thực hiện sẽ diễn ra từ 10h25 – 11h25 ngày 16/08/2021. Chương trình được phát trực tuyến trên kênh fapage VTC 16, fanpage và youtube Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN Việt Nam. Bạn cũng có thể gọi điện về tổng đài 19006145 của kênh VTC16 để đặt câu hỏi cho với các khách mời.

* OCOP là gì?

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo định hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cơ chế thị trường.

Thông qua chương trình OCOP, ngày càng có nhiều phụ nữ mạnh dạn, năng động, vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa, với phương châm "Ly nông bất ly hương". Những sản phẩm OCOP của chị em đã góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

* Cách phân hạng OCOP: dựa theo bộ tiêu chí, đánh giá theo thang điểm 100. Sản phẩm OCOP được phân theo 5 hạng sao, gồm:

- 1 sao: sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình, tổng điểm đạt dưới 30.

- 2 sao: sản phẩm đã được hình thành ở địa phương nhưng cần tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp. Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm.

- 3 sao: sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu. Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm.

- 4 sao: sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm.

- 5 sao: sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm.

* Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có thời hạn 36 tháng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm