Bên thềm Hội nghị sơ kết Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" của Chính phủ (Đề án 939), PNVN đã có dịp trao đổi cùng một số gương mặt tiêu biểu, trong đó có chị Trần Thị Như Hoa.
Xin chào chị Như Hoa. Chị khởi nghiệp từ con số âm, vượt qua nhiều thử thách của số phận để xây dựng HTX và tạo công việc cho phụ nữ, người khuyết tật tại tỉnh Nghệ An. Hơn nữa chị đang giữ một số vai trò rất quan trọng: Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội người khuyết tật Nghệ An, trưởng ban điều hành phụ nữ khuyết tật miền Trung. Chị cũng không ngừng sáng tạo và có những sáng kiến để mang lại tác động cho cộng đồng. Trên hành trình đó, động lực, nào giúp chị có thể xây dựng được sự tự tin, độc lập, sáng tạo như vậy?
Chị Trần Thị Như Hoa: Tôi là một người phụ nữ xuất phát từ số âm. Tôi là một người phụ nữ, là một người phụ nữ khuyết tật lại là một người mẹ đơn thân. Có thể nói, con đường khởi nghiệp với phụ nữ như tôi là rất khó khăn. Nhưng tôi quyết tâm khởi nghiệp không chỉ để là một giám đốc, khởi nghiệp còn có một ý nghĩa lớn hơn. Đó là hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều người, đóng góp vào sự phát triển của xã hội, của một đất nước, giá trị mình mang lại được công nhận.
Tôi có một khát khao theo đuổi những ước mơ, không ngừng nghỉ. Tôi thực sự đang cố gắng bởi tôi muốn là một tấm gương mọi người có thể nhìn vào đấy để biết rằng chỉ cần mọi người có sự quyết tâm, có sự cố gắng sẽ có thể thực hiện được.
Được biết năm nay 2020, chị đã tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức và may mắn nhận được 03 giải thưởng. Giải thưởng đó có ý nghĩa gì với chị?
Chị Trần Thị Như Hoa: Để lan toả cũng như chứng minh những nỗ lực của mình, năm 2020, tôi đã mạnh dạn tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và may mắn nhận được 03 giải thưởng bao gồm: Giải clip xuất sắc nhất, giải Cánh én vàng và Giải ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường. Nối tiếp những thành công đó, tôi đã vinh dự được làm khách mời truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn lớn do TƯ Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Nghệ An tổ chức.
Năm 2020 là một năm biến cố rất lớn trong cuộc đời tôi, đánh dấu sự trưởng thành của một người rụt rè, nhút nhát, không dám làm cho đến một người đứng lên để thực hiện ước mơ. Tôi nhận ra, đưa doanh nghiệp, HTX phát triển bền vững, lâu dài thì phải tìm cho mình cách tái chế xử lý rác thải mình sản xuất ra. Đó là con đường tôi đã đi, đang đi và tương lai tôi vẫn bên cạnh những sản phẩm mà đang hỗ trợ cho chị em khuyết tật tăng thêm thu nhập.
Đặc biệt là sau 2 năm dịch Covid-19, tôi thì vẫn sống khỏe mạnh, đảm bảo công ăn việc làm và tiền lương cho chính tôi và người lao động là chị em khuyết tật. Tôi vẫn ấp ủ làm ra những sản phẩm có giá trị kinh tế, giá trị thẩm mỹ từ chính vải vụn đã bị xả thải đi. Những sản phẩm vải vụn phải mất vài chục năm mới phân hủy nhưng qua bàn tay, qua sự sáng tạo của con người vào những sản phẩm này sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích có giá trị sử dụng lại nhiều lần. Đó là những hướng đi tôi rất tâm đắc và mong muốn hàng ngày thực hiện.
Có thể nói, giải thưởng và những hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ đã tạo động lực không nhỏ cho chị trên chặng đường khởi nghiệp của mình?
Chị Trần Thị Như Hoa: Đúng vậy! Tôi đặc biệt muốn nói lời cảm ơn với Hội LHPN các cấp vì những hỗ trợ tài chính và kỹ thuật - là những đòn bẩy giúp cơ sở của mình vượt qua và đứng vững được diễn biễn dịch Covid-19, đảm bảo công ăn việc làm và tiền lương cho chính tôi và người lao động là chị em khuyết tật. Hơn nữa, thật sự cảm ơn sự hỗ trợ động viên vô cùng to lớn của Hội LHPN tỉnh Nghệ An, giúp tôi nâng cao năng lực về khởi nghiệp, kết nối mạng lưới và hướng dẫn thành lập Hợp tác xã Sen Vàng. Chính vì vậy, tôi càng tự tin để theo đuổi ước mơ trên con đường xây dựng một doanh nghiệp tạo tác động xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng người khuyết tật của mình và môi trường mình đang sống. Nhờ những đồng hành, giúp đỡ, khích lệ của các các cấp Hội đã giúp chúng tôi cảm thấy không bị bỏ lại phía sau hay đơn độc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn