Nhờ dạy con 1 kỹ năng quan trọng, mẹ Việt ở Thụy Điển thoát khỏi tình huống nguy hiểm trong gang tấc

22:28 | 01/01/2023;
Mũi Tẹt - con chị Giang đã kịp thời cứu mẹ khỏi tình huống nguy hiểm tới tính mạng nhờ một kỹ năng đơn giản được chị dạy trước đó.

"Chiều nay, con trai 3 tuổi của mình đã cứu mẹ khỏi một tình huống nguy hiểm tới tính mạng", đó là chia sẻ của chị Ngô Hồng Giang, một kỹ sư phần mềm hiện đang sinh sống và làm việc ở Thụy Điển.

Lúc ấy, chỉ có chị Giang và cậu con trai Mũi Tẹt (sinh năm 2019) ở dưới nhà, còn chồng thì ở tầng trên. Cơn ho sặc đờm đến rất nhanh đúng lúc đang nằm, làm chị không thể thở, không nói được và cũng không thể tự ngồi dậy được. 20 giây trôi qua trong hoảng loạn.

Tẹt đang ngồi chơi phía cuối giường, thấy mẹ ho bất thường, con bò ra cạnh mẹ. Chị Giang giơ tay lên ra dấu hiệu cần giúp đỡ. Tẹt nhận ra đây là ký hiệu trường hợp khẩn cấp, vội chạy đi gọi bố kéo mẹ dậy, kịp thời cứu mẹ khỏi tình huống hiểm nghèo. Chị ôm con, bật khóc: "Cảm ơn con đã cứu mẹ!". Nhờ được dạy về ngôn ngữ ký hiệu (sign language), cậu bé mới 3 tuổi đã cứu mẹ thoát khỏi tình huống ngặt nghèo trong gang tấc như thế.

Nhờ dạy con 1 kỹ năng quan trọng, mẹ Việt ở Thụy Điển thoát khỏi tình huống hiểm nghèo trong gang tấc - Ảnh 1.

Bé Mũi Tẹt (sinh năm 2019), hiện đang sinh sống ở Thụy Điển.

Chị Giang bắt đầu suy nghĩ về việc dạy con về ngôn ngữ ký hiệu quốc tế từ khi con 6 tháng tuổi, xuất phát từ đam mê xê dịch của 2 vợ chồng. Một lần, khi du lịch đến một làng nhỏ miền Nam Tây Ban Nha, điện thoại hết pin trong khi xung quanh không ai nói tiếng Anh, vợ chồng chị Giang đã phải tìm cách giao tiếp với người dân địa phương bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Khi Tẹt 1,5 tuổi, cả nhà tham gia một chương trình học về kỹ năng sinh tồn cùng thiên nhiên của cộng đồng người Nhật, cùng học những kỹ năng như che đầu và trú ẩn trong thiên tai động đất, hay những biển báo hay dấu hiệu nguy hiểm.

Khi Tẹt 2 tuổi đi học mẫu giáo ở Thụy Điển, cô giáo của Tẹt luôn đeo trên cổ một tập flashcard ngôn ngữ ký hiệu, và cô thực hành với những đứa trẻ mọi lúc mọi nơi, miệng nói, tay ra ký hiệu. Cô giải thích rằng:

Thứ nhất, đây là một cách dạy trẻ về sự bình đẳng. Ở Thụy Điển, những người có khuyết tật được tạo điều kiện sinh hoạt trong xã hội như một người bình thường. Vì thế cơ hội các con có một người bạn khiếm thính là khá cao cả ở hiện tại như ở trường học, và tương lai như ở nơi làm việc. Học và hiểu ngôn ngữ ký hiệu giúp các con cảm thông với những người kém may mắn hơn, và trao cho con phương tiện để có thể tự tin giao tiếp với họ.

Thứ hai, ngôn ngữ ký hiệu có thể giúp con giao tiếp khi không thể nói được. Đơn giản, như trong trường hợp con bị cúm bị mất giọng chẳng hạn. Hay trong tình huống hiểm nghèo như bị không chế, bị bắt cóc.

Vì thế, chị Giang quyết định dạy con sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, tín hiệu các biển cảnh báo nguy hiểm, như một kỹ năng sinh tồn.

5 điều chị Giang dạy để con có thể tự cứu mình trong tình huống nguy hiểm

1. Ký hiệu cần giúp đỡ

Ký hiệu này rất dễ học, chị Giang chỉ cần dạy 1-2 lần là Tẹt đã nhớ được. Nhờ đó, con nhận ra mẹ đang gặp nguy hiểm và tìm người đến giúp đỡ. Để ra ký hiệu, ta chỉ cần giơ tay lên với lòng bàn tay hướng ra ngoài, rồi gập ngón cái hướng vào lòng bàn tay, sau đó gập các ngón tay còn lại trùm vào ngón cái.

Đây là một ký hiệu quan trọng bố mẹ nên dạy con. Vì thứ nhất là ký hiệu quốc tế, thứ hai là sign language (ngôn ngữ ký hiệu) dùng tay nên có thể truyền đạt thông tin ngay cả khi không biết ngôn ngữ.

Nhờ dạy con 1 kỹ năng quan trọng, mẹ Việt ở Thụy Điển thoát khỏi tình huống hiểm nghèo trong gang tấc - Ảnh 2.

Ký hiệu cần giúp đỡ

Thậm chí, việc biết ngôn ngữ ký hiệu có thể giúp con tự cứu bản thân khỏi những tình huống nguy hiểm, như bị bắt cóc chẳng hạn. Thực tế là năm 2021, một thiếu niên mất tích ở Mỹ đã được giải cứu nhờ làm ký hiệu tay cầu cứu và được một người đi đường nhận thấy và gọi báo cho cảnh sát.

2. Tín hiệu SOS

Ký hiệu quốc tế rất thông dụng này là từ đầu tiên chị Giang chọn để dạy khi Tẹt có hứng thú về chữ cái.

Có rất nhiều người từng thắc mắc tại sao người ta lại sử dụng cụm từ SOS làm tín hiệu khẩn cấp mà lại không phải là từ khác? Ban đầu, tính chất của nó là một dạng tín hiệu được sử dụng trong lĩnh vực hàng hải, những người gặp vấn đề trên biển như tàu bị hỏng hóc hoặc trôi dạt vào đảo hoang. Lúc này lực lượng cứu hộ chính là máy bay từ trên cao nên sẽ cần một tín hiệu có thể dễ dàng thấy được theo nhiều hướng khác nhau và SOS được lựa chọn khi mà viết xuôi, viết ngược hay lộn ngược lại thì vẫn cứ là SOS mà thôi.

3. Biển cảnh báo nguy hiểm

Biển cảnh báo về nguy hiểm là một kỹ năng bố mẹ nhất định phải dạy con càng sớm càng tốt. Đây là một cách tiếp cận rất hiệu quả. Vì biển báo, với tính năng cảnh báo nên được thiết kế bắt mắt, dễ hiểu ngay cả với trẻ nhỏ, ví dụ như biển: Stop, có điện, cấm vào, chú ý nơi nguy hiểm…

Và người lớn nên thẳng thắn và thành thật nói với con về những rủi ro nếu mình vi phạm những cảnh báo, tránh nói như: "Sờ vào 'nó' cắn đấy", "Vào đấy là ngáo ộp bắt đấy", vv…

"Mình đã dạy Tẹt từ khi con 6 tháng bằng cách giải thích cho con bất cứ lúc nào nhìn thấy biển cảnh báo và bằng hình vẽ. Kết quả là, Tẹt có ý thức cảnh giác rất cao, luôn quan sát và tuân thủ những chỉ dẫn khi đi ra ngoài", chị Giang nói.

4. Điện thoại trường hợp khẩn cấp

Thực ra, bố mẹ cũng nên biết và thành thạo tính năng vô cùng hữu ích này của điện thoại. Bất cứ điện thoại nào cũng có tính năng SOS. Nếu đang ở trong một tình huống thậm chí có thể đe dọa tính mạng, bạn có thể sử dụng điện thoại của mình để gọi điện cho các dịch vụ khẩn cấp trong khu vực của bạn. Thậm chí không cần lấy điện thoại ra khỏi túi, bạn vẫn có thể quay số 113 và thông báo về tình huống và vị trí của bạn. Số điện thoại bạn gọi sẽ tự động điều chỉnh theo từng khu vực địa phương cụ thể.

Khi cho con tiếp xúc với điện thoại, đây là tính năng đầu tiên của điện thoại bố mẹ nên dạy con. Để tìm hiểu thêm, bố mẹ có thể google: "Cách kích hoạt tính năng SOS trên điện thoại xxx (xxx là tên hiệu điện thoại của bạn, ví dụ như iPhone, Samsung, Oppo, Nokia…).

Nhờ dạy con 1 kỹ năng quan trọng, mẹ Việt ở Thụy Điển thoát khỏi tình huống hiểm nghèo trong gang tấc - Ảnh 2.

Một buổi hoạt động trong rừng của cộng đồng người Nhật ở Stockholm mà nhà Tẹt tham gia hàng tháng. Ở đây các con được học kỹ năng sinh tồn, tình yêu thiên nhiên và có một môi trường nói tiếng Nhật. Đây là cách người Nhật gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Nhật dù ở nước ngoài.

5. Còi

Bố mẹ nên trang bị và hướng dẫn con cách sử dụng còi để phát ra tín hiệu khi gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, nhất định phải lưu ý với con là chỉ sử dụng còi trong trường hợp thực sự cần thiết. Nếu không, bố mẹ cũng sẽ giống nhà Tẹt, bị đau đầu một thời gian vì con có hứng thú thổi còi mọi lúc mọi nơi.

"Lúc đó, mình dùng câu chuyện 'Cậu bé chăn cừu nói dối' để giải thích với con rằng: Còi dùng để báo cho người khác biết là con đang gặp nguy hiểm mà đến giúp đỡ con. Nếu con lạm dụng dùng còi để chơi, thì cũng giống như chú bé nói dối đã luôn la toáng lên để trêu chọc sự chú ý của mọi người. Nếu làm như vậy, một lúc nào đó, mọi người sẽ không ai tin tiếng còi của con nữa. Đến lúc con thực sự gặp nguy hiểm, như chú bé bị sói đến ăn thịt cừu, dù con có thổi còi bao nhiêu lần, sẽ chẳng còn ai đến giúp con", chị Giang chia sẻ.

Từ đó, Tẹt đã học được cách dùng còi và phát tín hiệu nguy hiểm đúng đắn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn