Mỗi mùa hè đến, các món canh, món chè từ đậu xanh, đậu đen, đậu tương lại được yêu thích. Ngoài tính giải khát, các món ăn này còn rất có lợi cho sức khỏe.
Y học cổ truyền Trung Hoa cho rằng, sử dụng các loại đậu thường xuyên, nhất là trong những ngày nắng nóng sẽ đem lại tác dụng giải nhiệt, giảm khát. Hơn nữa, các loại đậu còn tăng cảm giác thèm ăn, hạ huyết áp, hạ lipid máu...
Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để sử dụng đậu xanh, đậu đen, đậu tương. Dưới đây là danh sách những nhóm người không nên hoặc chỉ nên hạn chế sử dụng 3 loại đậu này.
1. Người đang đói
Không ít người có sở thích ăn chè đậu xanh vào lúc đói mà không biết rằng đậu xanh tính hàn, nếu ăn lúc bụng đói sẽ gây lạnh bụng, không tốt cho đường tiêu hóa.
Tốt nhất bạn nên uống một cốc nước ấm hoặc ăn nhẹ thứ gì đó trước khi ăn chè đậu xanh.
2. Những người đang uống thuốc Đông y
Do đậu xanh có tác dụng giải độc nên có thể khiến thảo mộc trong thuốc bị hóa giải.
Nếu đang uống thuốc Đông y thì tốt nhất là bạn không nên ăn chè đậu xanh để tránh làm mất tác dụng của thuốc.
3. Những người mắc bệnh về hệ tiêu hóa
Vì đậu xanh có chứa nhiều chất xơ nên người có hệ tiêu hóa kém thì không nên ăn nhiều chè đậu xanh hay các thực phẩm có chứa đậu xanh, ăn nhiều có thể gây trướng bụng, khó tiêu.
4. Người hay bị chân tay lạnh
Người mang thể hàn, biểu hiện là tay chân lạnh, thiếu sinh lực, đi ngoài phân lỏng thì không nên ăn đậu xanh vì có thể gây ra tình trạng tiêu chảy, mất nước, đau cơ khớp, khiến bệnh tình ngày một nặng.
5. Người già và trẻ em cũng không nên ăn nhiều
Người già và trẻ nhỏ tránh ăn nhiều đậu xanh vì chúng có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao mà chức năng tiêu hóa dạ dày đường ruột của những nhóm người này thường kém, khó tiêu hóa hết, từ đó dễ gây ra đau bụng, đi ngoài.
6. Phụ nữ có kinh nguyệt
Đậu xanh có vị ngọt và lạnh, trong khi đó chị em đang trong kỳ "đèn đỏ" được khuyên không nên ăn những thực phẩm ngọt và lạnh để không làm hại tử cung, ảnh hưởng đến việc chảy máu kinh nguyệt hoặc làm nặng thêm cơn đau bụng kinh.
Người xưa thường ví von rằng "một nắm đậu đen tốt như thang thuốc bổ" là bởi loại hạt nhỏ bé này không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng mà còn tốt cho cơ thể, không thua kém các loại thuốc. Tuy nhiên dưới đây là những nhóm người không nên ăn đậu đen.
1. Người có cơ thể hàn lạnh
Nếu thuộc cơ thể hàn lạnh, người mệt mỏi, tứ chi lạnh, đi ngoài phân lỏng hay tiêu chảy thì tốt nhất bạn không nên dùng nước đậu đen vì sẽ làm các triệu chứng thêm trầm trọng hơn, khiến cơ thể đuối sức và ốm yếu hơn.
2. Người già, trẻ nhỏ cần tránh sử dụng nhiều đậu đen
Nghiên cứu khoa học cho thấy đậu đen là thực phẩm chứa hàm lượng protein cao. Trong khi đó, với người già, trẻ em hay người có thể trạng yếu thì hệ tiêu hóa không khỏe, vì vậy sẽ khó tiêu thụ lượng protein cao trong đậu đen, nếu dùng đậu đen có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, đau bụng.
3. Người đang dùng thuốc
Đậu đen vốn là vị thuốc có tác dụng giải độc, vì vậy nếu sử dụng chúng trong quá trình uống nước sẽ vô tình ảnh hưởng đến các thành phần của thuốc làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh.
Người cao tuổi, người mắc bệnh thận, bệnh gút, thiếu máu do thiếu sắt... không nên thường xuyên sử dụng đậu tương bởi nó sẽ làm suy giảm chức năng thận, ảnh hưởng đến các chức năng tiêu hóa khác.
Đậu tương có chứa hàm lượng protein thực vật cao, khi vào cơ thể sẽ qua quá trình chuyển hóa và cuối cùng một phần lớn sẽ biến thành chất thải chứa nitơ và được thận bài tiết ra bên ngoài.
Khi về già, chức năng bài tiết chất thải của thận bị suy giảm, nếu không chú ý đến việc ăn uống và ăn quá nhiều đậu phụ, nạp quá nhiều protein thực vật sẽ tăng chất thải chứa nitơ.
Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng của thận cũng tăng lên, chức năng thận tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung.
Ăn nhiều đậu tương cũng dẫn đến thiếu i-ốt bởi trong các hạt đậu tương có chứa một chất gọi là saponin, không chỉ có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch, mà còn thúc đẩy sự bài tiết của i-ốt trong cơ thể con người.
Vì vậy, uống sữa đậu nành trong một thời gian dài có thể dễ dàng dẫn đến thiếu hụt i-ốt và một số bệnh khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn