pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngày nào cũng cho bé uống 3 ly nước trái cây, tưởng bổ dưỡng nào ngờ đang hại con
Ai cũng biết, trái cây có rất nhiều dưỡng chất, đem lại nhu cầu dinh dưỡng không nhỏ cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nước trái cây thì khác, không nên cho bé uống quá nhiều, nhất là trẻ dưới 1 tuổi.
Nước ép trái cây là một thức uống vừa ngon vừa bổ nên được nhiều mẹ cho con sử dụng. Trong nước ép trái cây tự nhiên có chứa nhiều chất xơ hòa tan cao, vitamin hữu ích cho các bé, giúp bé tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết khác.
So với người lớn, cơ quan bài tiết mồ hôi ở bé kém hơn và thường tạo ra nhiều nhiệt hơn khi vận động, nên khi các mẹ cho bé uống nước ép trái cây hàng ngày cũng là cách mẹ giúp bé bổ sung nước đầy đủ. Hơn nữa, nước ép trái cây cũng là loại thức uống an toàn thay thế cho nước ngọt và nước tăng lực khi mùa hè đang đến gần.
Tuy nhiên, nếu như mẹ cho bé uống quá nhiều nước ép trái cây cũng không tốt. Việc uống quá nhiều loại nước này có thể khiến bé bị sâu răng, tiêu chảy… bởi lượng đường tự nhiên trong nước ép trái cây khá cao. Vì vậy mẹ cần chú ý liều lượng và cho bé uống đúng cách để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bé yêu.
Mới đây, một người mẹ chia sẻ câu chuyện của bản thân đã khiến nhiều người giật mình. Vì con gái không chịu ăn uống gì mà chỉ thích nước trái cây nên bà mẹ này chiều chuộng, cho con uống loại nước này thoải mái. Đều đặn mỗi ngày, bé sẽ được uống ít nhất là 3 ly nước trái cây. Cứ tưởng như vậy là tốt cho con nhưng sau một thời gian dài, bé gái xuất hiện một số triệu chứng như lười ăn, mệt mỏi, cơ thể uể oải, kém phát triển... Lúc này, người mẹ mới nhận ra hoá ra lâu nay mình đã bổ sung nước cho con hoàn toàn sai cách.
Dinh dưỡng từ nước trái cây thấp hơn nhiều so với trái cây
Trong mỗi một loại quả đều chứa nhiều giá trị dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, khi đã xay nhuyễn hoặc làm thành nước thì nó sẽ giảm đi mật độ dinh dưỡng. Cụ thể, so với trái cây nguyên vẹn, nước trái cây chỉ chứa đường và nước, hàm lượng chất xơ hoàn toàn không có. Không chỉ vậy, một số các chất khoáng như vitamin hay kali cũng bị mất đi.
Bên cạnh đó, trong một số nước trái cây bán sẵn hoặc để lâu cũng bị oxy hóa và phá hủy trong quá trình ép, nếu không uống ngay nước trái cây tươi, để càng lâu, vitamin C bị mất đi càng nhiều. Trái cây bị mất nhiều chất xơ cần thiết trong quá trình ép, nếu nước ép lọc bỏ phần bã thì giá trị dinh dưỡng sẽ bị giảm đi, vì phần lớn chất xơ trong phần bã đã lọc và chỉ còn lại đường tự do, cơ thể con người rất dễ hấp thụ. Vì vậy nếu cho trẻ uống uống nước ép trái cây thường xuyên sẽ chỉ uống calo mà thôi.
Ngoài ra, nếu cứ uống nước ép trái cây với hàm lượng nhiều và thường xuyên, trẻ sẽ bị thiếu chất xơ và các chất dinh dưỡng cần thiết khác, lâu ngày không thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa mà còn dễ khiến trẻ bị táo bón.
Uống quá nhiều nước trái cây làm trẻ chán ăn
Nước trái cây có vị ngọt nên hầu như em bé nào cũng yêu thích. Tuy nhiên nếu uống quá nhiều nước thì hàm lượng nước và đường trong cơ thể sẽ gia tăng, chiếm phần lớn dung tích dạ dày vốn rất bé nhỏ của trẻ. Nếu uống nước trái cây trước bữa ăn sẽ làm con có cảm giác no, không muốn ăn bất kì thứ gì nữa. Từ đó dẫn đến chán ăn, lười ăn, biếng ăn...
Nhiều mẹ cố ép trẻ uống nước trái cây hoặc thấy con không ăn uống được gì thì ''nhồi tạm'' nước trái cây cho trẻ no. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, khiến trẻ ngày càng chán ghét thức ăn và nghiện nước trái cây. Về lâu về dài, lượng sữa và thức ăn nạp vào cơ thể quá ít sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của các bé.
Uống nước trái cây không đúng cách, quá liều lượng có thể gây bệnh cho trẻ
Như đã biết, hàm lượng đường trong nước ép trái cây rất lớn, uống nước trái cây nhiều đường trong thời gian dài dễ dàng tạo điều kiện cho trẻ phát triển sở thích không tốt. Theo thời gian, bé sẽ không còn thích uống nước đun sôi nữa, thay vào đó là uống nước ép trái cây mỗi ngày. Hơn nữa, trong quá trình ép nước hoa quả, đường chứa trong hoa quả trở thành đường tự do, là "kẻ thủ lớn" làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường.
Trong thực tế, uống quá nhiều nước trái cây ngoài việc có thể gây tăng cân và sâu răng, cũng có thể góp phần gây nên tiêu chảy và các vấn đề về tiêu hóa khác, chẳng hạn như chướng bụng, đầy hơi và đau bụng.
WHO khuyến cáo cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do để không vượt quá 10% tổng năng lượng ăn vào. Nếu có thể, hãy giảm thêm lượng đường tự do xuống dưới 5% tổng năng lượng ăn vào. Theo con số này, lượng đường tự do hàng ngày của bé nên vào khoảng 10 ~ 15 gram. Tuy nhiên, uống một ly nước ép trái cây nguyên chất hầu như có thể chứa 20-40 gram đường tự do, vượt xa hàm lượng khuyến nghị. Những loại đường này không chỉ khiến trẻ béo phì từng bước mà còn "ăn mòn" răng của trẻ.
Trẻ em uống bao nhiêu nước trái cây một ngày là đủ?
- Trẻ em dưới 1 tuổi không nên cho uống nước trái cây, mặc dù nhiều bác sĩ nhi khoa khuyên dùng một lượng nhỏ nước trái cây cho trẻ em bị táo bón.
- Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi, không được quá 120ml mỗi ngày.
- Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi, 120-180ml mỗi ngày.
- Trẻ em từ 7 đến 8 tuổi, không được quá 220ml mỗi ngày.
- Thay vì nước trái cây, trẻ em được khuyến khích ăn trái cây tươi.
- Nếu bạn cho trẻ uống nước trái cây, thì đó phải là nước trái cây tiệt trùng 100% và không phải là thức uống trái cây đóng chai sẵn.
- Không nên cho trẻ uống nước ép trái cây trước khi đi ngủ hoặc để điều trị mất nước hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên, cho trẻ uống một lượng nhỏ nước ép có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón.
- Nếu bạn cho trẻ uống nước ép, nên chọn nước ép 100% trái cây nguyên chất, thay vì chọn nước ngọt hoặc cocktail trái cây. Nước ép trái cây nguyên chất và các loại đồ uống chứa thành phần hoa quả có thể có lượng calo ngang nhau, nhưng nước ép nguyên chất cho trẻ nhiều dinh dưỡng hơn và hạn chế được các chất phụ gia.
(Tổng hợp)