PNVN đã có buổi trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để nghe bà chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ tại xã phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
+ Xin chào bà Nguyễn Thị Hà, xin bà chia sẻ về một số thông tin về đời sống của chị em hội viên phụ nữ, đặc biệt là các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ tại xã?
Nếu xét theo những tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay thì tỷ lệ hộ nghèo tại xã Tân Thịnh đã giảm rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, năm vừa qua, Hội LHPN huyện có nhiều hoạt động hỗ trợ để giúp chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
+ Được biết, các cấp Hội phụ nữ trong xã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên để hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Bà có thể điểm qua một số hoạt động nổi bật?
Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, của Ủy ban Nhân dân xã Tân Thịnh về các hoạt động triển kinh tế chăn nuôi trồng trọt, trong thời gian qua, Hội LHPN xã đã tuyên truyền hội viên trồng, chăm sóc các loại cây trồng để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Hiện tại, Hội phụ nữ được giao cho phụ trách trồng cây dâu tằm trên diện tích 13ha. Đây là một loại cây trồng còn khá mới mẻ, kiến thức và kỹ thuật các chị em chưa có nhiều, nhưng hội viên và chị em phụ nữ trong xã đã rất tích cực. Năm vừa qua, chúng tôi đã trồng được 8ha cây dâu tằm. Một số gia đình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Vân, chị Hoàng Thị Hương, thôn Khe Nhừ, xã Tân Thịnh.
Cùng với đó, một số chị em đã mạnh dạn phát triển trồng cây ăn quả cây có múi, cho thu nhập cao như mô hình trồng cam của chị Đặng Thị Núi, chị Quách Thị Thảo, thôn Khe Sừng, xã Tân Thịnh.
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Tân Thịnh cũng đang đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế như cây gai xanh, măng tre bát độ vào tuyên truyền, vận động chị em chuyển đổi cây trồng, cho năng suất cao.
Mô hình trồng cam, trồng cây có múi mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho nhiều hộ gia đình
Để giúp chị em mạnh dạn, tự tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Hội LHPN xã thường xuyên vận động, kết nối với các cơ quan, đơn vị chuyên môn để tập huấn các kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho chị em. Từ đó, các chị em có thêm kiến thức để áp dụng vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại thu nhập kinh tế trong gia đình. Nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá và hộ giàu.
+ Hội LHPN xã Tân Thịnh đã có những hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, thưa bà?
Hội LHPN xã Tân Thịnh hiện theo sự chỉ đạo, thực hiện theo kế hoạch của Đảng ủy và nhận được sự quan tâm của Hội LHPN huyện Văn Chấn, Hội LHPN tỉnh Yên Bái, trong thời gian vừa qua đã xây dựng hoạch cụ thể, phù hợp theo từng chi hội, dựa trên những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau của từng chi hội để có những phương hướng, phương pháp hỗ trợ khác nhau.
Hội LHPN xã thường xuyên vận động, kết nối với các cơ quan, đơn vị chuyên môn để tập huấn các kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho chị em.
Thực tế, trong thời gian gần đây cuộc sống của nhiều hội viên, phụ nữ trong xã đã thay đổi hẳn. Đó là nhờ sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân họ. Cùng với đó, là những nguồn vốn được Hội kết nối. Hiện nay, chị em được tiếp cận với hai nguồn vốn chính. Thứ nhất là nguồn vốn vay ủy thác do Hội LHPN ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thứ hai là các chị được tiếp cận với nguồn vốn ngay tại hội của mình thông qua các tổ hợp tác vay vốn xoay vòng. Trong thời gian qua xã Tân Thịnh đã thành lập được 3 tổ hợp tác góp vốn xoáy vòng, hoạt động rất hiệu quả. Tính đến nay, các tổ hợp tác góp vốn xoay vòng đã xây dựng nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng tạo nguồn vốn cho chị em vay ngay tại chi hội, chị em trả gốc hàng tháng, hàng năm và trả lãi theo đúng định kỳ. Với nguồn vốn này, các hội viên được vay để phát triển kinh tế, chăm sóc con cái ăn học.
Ngoài ra, Hội cũng tổ chức các phong trào vận động hội viên giúp đỡ nhau về ngày công, giúp hội viên ốm đau, thăm hỏi động viên kịp thời. Khi gia đình hội viên có việc, Hội phụ nữ có thể huy động hội viên ngay tại hội nghị đến việc hỗ trợ công việc, có những buổi vận động được 40 đến 50 hội viên đến giúp đỡ.
Với hoạt động phát triển kinh tế, hiện nay, có một số chi hội đã rất mạnh như: Chi hội Mỵ, chi Hội thôn Khe Sừng... Trong các chi hội này, chị em luôn luôn quan tâm động viên giúp đỡ nhau từ ngày công con giống cho đến các nguồn vốn. Đó là những động lực để các chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn