Những mô hình chợ sáng tạo trong “mùa giãn cách”

11:26 | 16/08/2021;
Nhiều mô hình chợ kiểu mới, sáng tạo đã xuất hiện ở khắp nơi, đặc biệt là những tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách xã hội để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu, đảm bảo an toàn phòng chống dịch của người dân.

Những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn một số tỉnh/thành phố đã xuất hiện nhiều hình thức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Từ những mô hình chợ linh hoạt này, người tiêu dùng có thể mua sấm được lương thực, thực phẩm cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Mô hình đưa chợ lưu động vào khu dân cư

Khi nhiều chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, TP HCM và các tỉnh phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, mô hình siêu thị, chợ lưu động đã được triển khai phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và giảm áp lực cho các chợ dân sinh. Hàng ngàn điểm bán hàng lưu động được kích hoạt tại các quận, huyện, thị xã.

Tại khắp các quận, huyện của thủ đô như quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hà Đông, Đông Anh…, nhiều sân trường học, sân bóng, trung tâm thể thao văn hóa phường… được huy động trở thành các điểm bán hàng bình ổn giá tại khu dân cư. Các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm đến tay người dân.

Những mô hình chợ sáng tạo trong “mùa giãn cách” - Ảnh 1.

Chợ lưu động được tổ chức tại sân trường học

Khi đến các siêu thị, chợ lưu động, người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bao gồm: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, đảm bảo giãn cách khi mua hàng.

Mô hình siêu thị trên xe bus

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thực hiện  mô hình siêu thị di động kiểu mới với các chuyến xe bus bày bán với nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… tại các quận, huyện để phục vụ nhân dân mua sắm trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, hơn một tháng qua, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn, lượng lớn thực phẩm thiết yếu đã được đưa đến tay người dân qua các kênh bán hàng của các xe bus di động này.

Những mô hình chợ sáng tạo trong “mùa giãn cách” - Ảnh 2.

Mô hình chợ trên xe bus phục vụ nhân dân mua sắm

Mô hình đi chợ giùm

Đi chợ giúp dân, hỗ trợ nhân dân mua hàng thông thái trong mùa dịch là mô hình được Hội LHPN các cấp triển khai hiệu quả trong thời gian này. Cùng với việc vận động doanh nghiệp, nhà cung cấp tham gia chương trình bình ổn để trong thời gian chống dịch, hàng hóa thiết yếu, như: gạo, mì gói, thịt, gas, rau, củ… 

Các cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên tại từng tổ dân phố, phường, quận, huyện, thành phố đã trở thành những "cánh tay nối dài" giúp nhân dân trong khu vực có nguồn cung cấp lương thực, hàng hóa thiết yếu đầy đủ, giá bình ổn để cộng đồng yên tâm phòng, chống dịch, cùng nhau giữ và nhân rộng các "vùng xanh an toàn".

Những mô hình chợ sáng tạo trong “mùa giãn cách” - Ảnh 3.

Mô hình hỗ trợ nhân dân mua hàng thông thái trong mùa dịch được thực hiện tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.

Mô hình Siêu thị 0 đồng

Mô hình "Siêu thị 0 đồng" do Hội nữ doanh nhân các tỉnh phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp, những nhà hảo tâm thực hiện tại những "điểm nóng dịch Covid-19" như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… đã mang lại sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ hộ nghèo, lao động nghèo, sinh viên tại các địa phương.

Thông qua chính quyền địa phương, mỗi hộ gia đình đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được nhận một "Phiếu quà tặng" trị giá 400.000 đồng, đại diện từng hộ sẽ đến siêu thị vào những khung giờ được quy định khác nhau để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng dịch. Mô hình gian hàng/siêu thị 0 đồng đang có mặt tại nhiều nơi đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cần hàng hóa thiết yếu để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Những mô hình chợ sáng tạo trong “mùa giãn cách” - Ảnh 4.

Siêu thị 0 đồng hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch

Mô hình bán hàng theo combo

Các gói hàng combo bao gồm những hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày đã được các siêu thị, sàn thương mại điện tử cung cấp để người dân tiện mua sắm.

Tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình bán hàng theo combo được thực hiện bằng cách khách hàng chọn và điền đầy đủ vào phiếu thông tin mua hàng; thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn và nhận hàng theo lịch của cơ quan quản lý trên địa bàn.

Mô hình chợ tại bưu điện

Trong những ngày giãn cách xã hội, các bưu cục của hệ thống bưu điện đã trở thành những điểm phân phối hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu ra thị trường; kết nối, tiêu thụ nông sản, hàng hóa thiết yếu. 

Những mô hình chợ sáng tạo trong “mùa giãn cách” - Ảnh 5.

Ngay sau khi Thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, Bưu điện Hà Nội đã bố trí gần 300 điểm bán hàng thiết yếu và bình ổn giá và tăng gấp 3 lần lượng hàng hóa tại tất cả các điểm phục vụ.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã tham gia cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các địa phương đang giãn cách xã hội thông qua hình thức bán trực tiếp tại bưu cục, bán lưu động tại các tỉnh, thành phố và sàn thương mại điện tử.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn