Trong những ngày tháng Tám lịch sử, nhớ về nơi “đầu nguồn” cách mạng Việt Nam - Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), du khách từ nhiều nơi trên cả nước đã nô nức về thăm, tìm hiểu lịch sử.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) - là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác Hồ trong giai đoạn trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945). Khu di tích bao gồm: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, hang Cốc Pó, hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài, suối Lênin, bàn đá nơi Bác Hồ làm việc, nền nhà ông Lý Quốc Súng, nền nhà ông La Thành,…
Vào ngày 28/1/1941, sau khi đi qua cột mốc biên giới Việt - Trung số 108 trở về Tổ quốc, Bác Hồ cùng 5 người đồng chí của mình đã đến ở, làm việc tại nhà ông Lý Quốc Súng. Tại đây, Bác đã đón Tết cổ truyền đầu tiên sau hơn 30 năm rời xa Tổ quốc. Mâm cỗ tết có đầy đủ các loại thức ăn theo phong tục dân tộc ở vùng này như: bánh tét, bánh chít, thịt lợn, thịt gà, thịt nai khô nướng và một hũ rượu.
Để đảm bảo yếu tố bí mật, Bác cùng các đồng chí ở tại nhà ông Súng đến hết ngày 7/2/1941, thì chuyển sang hang Cốc Bó (theo tiếng địa phương là đầu nguồn, cách đó 100m) để ở và làm việc. Ngày 20/2/1961, Bác Hồ có làm thơ và viết về hang Cốc Bó: “Hai mươi năm trước ở hang này/Đảng vạch con dường đánh Nhật - Tây/Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/Non sông gấm vóc có ngày nay”.
Hang rộng khoảng 80m2, trong hang có một chiếc giường để bác nghỉ và làm việc, và có một bếp củi để Bác sưởi ấm. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/Ai hay ngọn lửa trong hang núi/Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau”.
Đoạn suối Lênin (được Bác đổi tên từ Khuổi Mịn) trước cửa hang, Bác thường ngồi đây câu cá sau những buổi làm việc. Ngoài ra, Bác còn đặt tên cho núi Phja Tào là núi Các Mác.
Bàn ghế đá bên bờ suối Lênin, nơi Bác Hồ thường ngồi làm việc trong thời gian ở Pác Bó (1941 - 1945).
Khu vườn có 4 loại cây ăn quả: ổi, bưởi, xoài, vú sữa. Lá cây ổi, Bác hái để đun nước hàng ngày. Lá và hoa cây bưởi dùng để làm nước xông khi Bác đau yếu. Xoài và vú sữa là 2 cây ăn quả của miền Nam, nơi Bác luôn hướng về khi đất nước còn chia cắt, cũng là nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước (1911).
Đường lên cột mốc biên giới Việt - Trung số 108, là nơi đầu tiên đón Bác trở về sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Tại Pác Bó, Bác Hồ đã triệu tập và chủ trì các Hội nghị quan trọng, soạn thảo các văn bản quan trọng, đặt nền móng cho sự thành công của Cách mạng tháng Tám và các cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta về sau.
Sau khi lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, ngày 20/2/1961, Bác Hồ cùng các đồng chí Trung ương Đảng đã lên thăm và chúc tết đồng bào Pác Bó. Nhân dịp này, Bác có trồng một vườn trúc ở ven suối Lênin.
Chị Phạm Thị Kiên (thứ 2 từ trái sang, 39 tuổi, trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cùng chồng và các con tham quan khu di tích Pác Bó. “Đây là lần đầu tiên gia đình tôi đến đây tham quan. Khi bước vào cửa hang Cốc Bó, nơi Bác ở, gia đình tôi vô cùng xúc động, đời sống của những người hoạt động cách mạng quá gian khổ. Từ đó, chúng tôi biết nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông đi trước, và cũng trân trọng cuộc sống hiện tại hơn”, chị Kiên chia sẻ.
Bà Phùng Thị Giáng (81 tuổi, dân tộc Tày, trú tại phường Sông Hiến, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) đã nhiều lần đến Pác Bó tham quan. Mỗi lần đến đều cho bà Giáng cảm xúc tự hào, xen lẫn xúc động, biết ơn Đảng và Bác Hồ.
Ngày nay, khi đến tham quan Pác Bó, du khách không còn phải đi lại vất vả như trước, mà có xe điện đưa đón rất thuận tiện. Bởi thế, ngày càng có nhiều du khách lựa chọn đến Pác Bó tham quan, tìm hiểu lịch sử. Theo số liệu gần đây nhất, trong 2 ngày (18-19/5), nơi đây đón gần 4.000 lượt khách.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành vào năm 2011, là hạng mục quan trọng nhất trong Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó. Công trình có ý nghĩa giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.