Thí sinh 49 tuổi là anh Y Blun Niê (người Êđê, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, Ðắk Lắk) - đây cũng là thí sinh lớn tuổi nhất tỉnh Đắk Lắk dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Anh Y Blun Niê, thí sinh 49 tuổi (trái) muốn có bằng tốt nghiệp THPT để có thêm minh chứng cụ thể khi tuyên truyền bà con tạo điều kiện cho con em đi học
Báo Tiền phong đưa tin, trước ngày thi, công việc bận rộn, anh luôn mang theo bên mình tài liệu, tranh thủ từng phút để ôn thi. "Mong ước lớn nhất của tôi là lấy được tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 để có thêm minh chứng cụ thể khi tuyên truyền bà con tạo điều kiện cho con em đi học. Tôi muốn có tấm bằng từ chính nỗ lực của mình chứ không bỏ tiền mua như nhiều trường hợp bị đài, báo phản ánh", anh Y Blun chia sẻ.
Theo anh Y Blun, đây là lần thứ 2 anh đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Lần thi đầu tiên vào năm 2019, khi ấy anh cùng thi với 2 con gái sinh đôi. Kết quả, anh thiếu 0,25 điểm, qua phúc khảo cũng không đủ điểm đậu tốt nghiệp.
Sinh ra và lớn lên ở vùng heo hút, lạc hậu, không có trường học, anh theo bố mẹ lên nương làm rẫy. Khi anh 12 tuổi bố mẹ mới chuyển chỗ ở về gần trường học. Tốt nghiệp THCS, anh lập gia đình. Một lần nữa, sự nghiệp con chữ của anh phải dừng lại. Thời gian này, anh tham gia công tác Đoàn, rồi trải qua các vị trí: Bí thư Đoàn buôn, Bí thư kiêm trưởng buôn. Nhìn các con đi học, anh lại quyết định đăng ký học chương trình bổ túc 1 năm 2 lớp.
Năm 2005, anh được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND xã Ea Nam. Hơn 1 năm sau anh giữ chức Chủ tịch HĐND và làm đủ 2 nhiệm kỳ. Đến năm 2017, anh Y Blun được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ea Nam cho đến nay.
"Dù bạc đầu tôi vẫn đi thi tốt nghiệp để có tấm bằng. Tôi quan niệm, phải có cái chữ, phải đi học mới mở mang đầu óc, biết cách trồng, chăm sóc cây sao cho nhiều quả thì cuộc sống mới bớt khó khăn", anh Y Blun nói thêm.
20 năm trước, thí sinh Nguyễn Khoa Thanh Tú bỏ dở việc học tập để lên núi xuất gia. Tuy nhiên, trên con đường tu nghiệp, thầy Tú nhận ra việc học là cần thiết nên quyết tâm trở lại trường thi lấy bằng THPT.
Theo Gia đình Việt Nam, thí sinh Nguyễn Khoa Thanh Tú (sinh năm 1981) là người xuất gia với pháp danh Minh Tuấn. Thầy Tú chia sẻ, trước đây thầy xem nhẹ việc học hành, bằng cấp. Tuy nhiên khi vào thực tế cuộc sống nhận thức được ngoài kiến thức, trình độ, năng lực thì bằng cấp được xem là nền tảng, yếu tố cần thiết ở trong mọi lĩnh vực nên thầy đã quyết tâm học hành để có tấm bằng.
Thí sinh Nguyễn Khoa Thanh Tú (SN 1981) xuất gia 20 năm vẫn đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Thầy Tú cho hay, thầy sinh ra tại Huế nhưng xuất gia tu nghiệp tại Vũng Tàu và từng được học tại Trường Cao đẳng Phật học Đại Tùng Lâm. Tính từ khi thầy Tú thôi học rồi xuất gia đạo Phật đến nay đã 20 năm.
Ngần ấy thời gian khiến những kiến thức, chương trình học có nhiều thay đổi. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, quyết tâm, thầy Tú đã tự học online, tự ôn thi ở nhà trong quãng thời gian dịch bệnh để chuẩn bị kiến thức và quyết tâm tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Bên cạnh câu chuyện của thầy Thanh Tú, tại điểm thi Trường THCS Tây Mỗ (Hà Nội) còn có thí sinh đặc biệt khác là Cao Nguyễn Minh Nhật (SN 1990). Thí sinh Cao Nguyễn Minh Nhật quê ở quận 1, TP HCM.
Cuộc sống bộn bề khiến anh phải ra Hà Nội lập nghiệp. Khi công việc ổn định, anh quyết tâm thi lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT còn thiếu trước đây. Để thực hiện kế hoạch đó, ngoài giờ làm anh Nhật tham gia học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Từ trái qua thí sinh Cao Nguyễn Minh Nhật, thí sinh Nguyễn Khoa Thanh Tú và thí sinh Giáp Văn Phiên tại điểm thi Trường THCS Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Cũng tại điểm thi THCS Tây Mỗ còn có thí sinh Giáp Văn Phiên sinh năm 1980 đến từ huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang). Anh Phiên chia sẻ, anh làm lao động tự do với đủ nghề nghiệp khác nhau. Nhưng cuộc sống thị thành khiến anh nhận ra cần có tấm bằng THPT để học nghề hay lựa chọn công việc khác đỡ vất vả hơn.
Để thực hiện điều đó anh Phiên tham gia học tập tại Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP. Hà Nội và dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. "Nhà mình nghèo, mình nghĩ chỉ có cố gắng phấn đấu học tập, có kiến thức may mắn mới đỡ phải lao động tay chân, cơ hội để thay đổi cuộc sống sẽ cao hơn. Bằng cấp không phải là tất cả nhưng là bước đệm cần thiết", anh Giáp Văn Phiên nói.
Đó là Tu sĩ Thích Quảng Phước (40 tuổi, tên thật là Võ Văn Lâm) là nhà tu hành tại tỉnh Bình Thuận. Theo PLO, năm 2021, tu sĩ này cũng đã tham gia dự kỳ thi tốt nghiệp tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết, Bình Thuận) nhưng do thiếu 0,19 điểm nên bị trượt.
Năm 2022, để thuận lợi cho quá trình thi cử, đầu tháng 12/2021, tu sĩ Phước đã ra tỉnh Thanh Hóa để ôn luyện và học tập tại chùa Hưng Phúc (TP. Thanh Hóa) và tham dự Kỳ thi THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa).
Tu sĩ Phước chia sẻ: "Trong cuộc sống, con người rất cần có vốn kiến thức, hiểu biết nhất định, vì thế tôi thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa trong học tập nên đã đăng ký thi lại với hy vọng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022".
Hy vọng câu chuyện của những thí sinh đặc biệt này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người rằng, việc học không bao giờ là quá muộn khi có quyết tâm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn