Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 do Chính phủ phê duyệt đã đặt ra các kế hoạch hành động, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, hạt nhân chính là doanh nghiệp và người nông dân.
Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn một lần nữa được khẳng định tại buổi làm việc giưa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam với tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, chia sẻ: Điều cốt lõi để phát triển nông nghiệp hữu cơ là thay đổi tư duy và xây dựng lòng tin. Theo đó, đẩy mạnh xây dựng các mô hình, các vùng trọng điểm, các điểm sáng để xây dựng lòng tin từ đó nhân rộng ra các vùng, các địa phương.
Đồng hành cùng các địa phương hướng thực hiện sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, tập đoàn Quế Lâm đã ghi nhận những kết quả đáng mừng. Theo ông Nguyễn Hồng Lam, những kết quả của Tập đoàn cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đang từng bước làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Cụ thể, năm 2018, chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000 ha các loại cây trồng. Đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha. Hiệu quả kinh tế cũng được thể hiện rõ rệt. Sản xuất hữu cơ cao hơn sản xuất thông thường từ 7 - 10% (cây công nghiệp), từ 10 - 25% (cây ăn quả, rau màu và lúa), từ 15 - 20% (chăn nuôi hữu cơ)...
Theo ông Nguyễn Hồng Lam, để giúp bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững, không cách nào khác là xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật đến với những người nông dân, để họ tin và làm theo.
Từ việc chủ động liên kết sản xuất, chuyển giao mô hình, công nghệ và khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nông dân tại các địa phương đã được tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để làm ra sản phẩm chất lượng cao, ổn định; đồng thời bảo vệ môi trường và giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã đi thăm mô hình sản xuất rau su su hữu cơ (xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) và mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học (thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) do Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, thực tế triển khai mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh, cho thấy, không chỉ chất lượng nông sản được nâng cao mà còn cải tạo môi trường. Sản xuất theo hướng hữu cơ cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Đánh giá cao các mô hình các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đang được triển khai, thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ để đáp ứng xu thế tất yếu của thị trường; khuyến khích phát triển các cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của tỉnh để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn