Cơ hội vàng cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

25/12/2017 - 09:04
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định thời điểm hiện nay là cơ hội vàng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, do nhu cầu thị trường rất cao, đặc biệt là ở đô thị và nhóm gia đình có mức sống trung lưu (hiện khoảng 30%, đến 2030 là 50%).
Đó là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn quốc tế về hữu cơ được tổ chức tại Việt Nam trung tuần tháng 12/2017 vừa qua. Vậy DN Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này thế nào?
b72i6724_s.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định thời điểm hiện nay là cơ hội vàng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Cứ đi rồi sẽ đến

Một trong những khách mời đặc biệt nhất ở diễn đàn là anh Bình, một người nông dân đang mày mò làm nông nghiệp hữu cơ. Theo Bình, mấy năm nay anh mày mò sản xuất tìm hướng đi mới, dịp tết nguyên đán vừa qua Bình đã được “lên báo” khi mang lúa cảnh ra bán ở chợ Bưởi- khu vực bán cây cảnh lớn của Hà Nội. “Tôi biết mình không được phát biểu ở diễn đàn lớn như thế này, nhưng tôi được nghe và làm quen với nhiều người làm nông nghiệp, hy vọng mai đây có thể hợp tác với họ”- Bình cho hay.
nhat3157.jpg
Bà Thái Hương- người kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch- hữu cơ cho nền nông nghiệp
Đang tràn trề hy vọng về thị trường của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đại diện một liên nhóm đang sản xuất rau, củ, quả hữu cơ ở Lương Sơn, Hoà Bình cho hay nhóm của chị đã sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ từ 2008 với 1,2 ha rau đầu tiên, đến nay nhóm đã phát triển thành hơn 10 ha với đầu ra rất ổn định. So với rau nói chung trên thị trường, chị cho biết rau hữu cơ không đắt hơn bao nhiêu, khi giá tại ruộng là 15.000 đ/kg, doanh nghiệp thu mua, sơ chế và vận chuyển đến Hà Nội giá mới là 30.000 đ/kg. Với mức giá này, nhiều gia đình có mức sống trung bình cũng có thể mua và sử dụng rau hữu cơ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng tình về hy vọng cho người trồng rau hữu cơ. Theo thủ tướng, nông nghiệp VN đã có những bước tiến quan trọng, giúp VN từ một nước thiếu ăn sang xuất khẩu nhiều nông sản, trong nhóm nông sản hữu cơ thì VN có cơ hội cả ở trồng trọt và chăn nuôi, với các sản phẩm như dừa, sữa, trà, gạo, cà phê... “Sản phẩm hữu cơ không phải dành cho người giàu có hay chỉ để xuất khẩu, mà dành cho mọi người, nhất là nhóm có thu nhập trung lưu hiện đang chiếm 30% gia đình và đến 2030 là 50%”- thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên vấn đề rắc rối ở chỗ chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ cần 3-5 năm để cải tạo đất. Sản xuất hữu cơ với rất nhiều quy trình và chứng nhận vì vậy đây không còn là “sân chơi” của các nông hộ nhỏ lẻ. Cùng với đó, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ đang tăng rất nhanh, đặc biệt ở các đô thị, bên cạnh đó là nhu cầu sản phẩm hữu cơ cho xuất khẩu tới các thị trường như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Vì vậy, đây chính là cơ hội cho DN nông nghiệp của Việt Nam phát triển hướng đi và phương thức sản xuất nhân văn này.

Bước vào xu thế dẫn đầu

Theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, hiện Bến Tre là địa phương dẫn đầu về quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với 3.000 ha chủ yếu là dừa. Trên toàn quốc, đến nay đã có 33 tỉnh thành sản xuất trên 70.000 ha nông nghiệp hữu cơ, với các sản phẩm như gạo, chè, rau, sữa, nho... hữu cơ.

Tuy nhiên, hiện mô hình DN chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao còn rất hiếm. Điển hình được nhắc tới tại Diễn đàn là mô hình của tập đoàn TH với quy mô sản xuất hữu cơ lên tới gần 400 ha, trong đó trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ TH có diện tích đồng cỏ hữu cơ 328 ha (từ tháng 8-2017 sản phẩm TH true Milk Organic đã ra mắt thị trường). Trang trại rau, dược liệu, lạc, đậu nành hơn 100 ha. Từ các trang trại này, TH cũng đã đưa ra thị trường sản phẩm nước uống dược liệu và 37 loại rau, tất cả đều được Control Union cấp chứng nhận hữu cơ Châu Âu và Mỹ.
th-trumilk_0903.png
Một góc trang trại bò sữa hữu cơ TH
Tại Diễn đàn các đại biểu quốc tế đều nhận định sản xuất, tiêu thụ thực phẩm hữu cơ đang là xu thế dẫn đầu hiện nay và thị trường hữu cơ đang có mức tăng trưởng mạnh. Sự tăng trưởng mạnh này xuất phát từ lợi ích của sản xuất hữu cơ là hướng tới những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, thực sự thiên nhiên, cân bằng sinh thái, mang tính công bằng.

Tập đoàn TH đã bước vào xu thế dẫn đầu, nắm bắt cơ hội vàng này từ năm 2013, với việc áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu và Mỹ trên rau (14,7ha) và dược liệu (20ha). Tới năm 2015, tập đoàn tiến hành chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò sang trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ. Hiện các sản phẩm rau củ quả, dược liệu, sữa đều đã có chứng nhận hữu cơ quốc tế. Các sản phẩm đều sản xuất theo chuỗi, phân phối tới tận tay người tiêu dùng.

Cùng với sản phẩm sữa, rau củ quả, tập đoàn TH tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ cho các sản phẩm thực phẩm khác. TH có các trang trại dược liệu, rau củ quả tại Nghệ An; đang bắt tay kiến tạo Dự án gạo, lạc, đậu tương ở Thái Bình, các trang trại dược liệu ở những vùng khó khăn nhất của Việt Nam như Hà Giang, Sơn La, Điện Biên…

Để phát triển bền vững, TH không đi theo hướng áp dụng công nghệ biến đổi gen, sử dụng hóa chất, TH là phát triển các trang trại organic, trồng dược liệu dưới tán rừng nhằm phát huy tối đa các giá trị giống cây bản địa.

Theo bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH, sản xuất hữu cơ là cách làm nông nghiệp văn minh vì bảo vệ được người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ nguồn đất sạch, nước sạch cho con cháu mai sau.

Bà Thái Hương, chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho hay: “Cách làm của TH là sử dụng công nghệ cao để có thể áp dụng trên quy mô sản xuất lớn nhưng sẽ giữ nguyên những gì sáng tạo của mẹ thiên nhiên”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm