Liveshow Đức Long hát diễn ra vào tối 15/4 tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội, là đêm nhạc kỷ niệm hơn 4 thập kỷ ca hát của Đức Long. Đêm nhạc chỉ gần 3 tiếng đồng hồ nhưng đã khiến những khán giả yêu Đức Long xúc động, như được thấy lại người nghệ sĩ mình yêu mến từ những ngày đầu tiên bước vào nghề đến nay.
Liveshow được bắt đầu bằng nhạc hiệu quen thuộc của Đài Tiếng nói Việt Nam, sân khấu được bài trí giống như hình ảnh của một chiếc tivi thời thập niên 1980 - thập niên mà Đức Long và chiếc tivi hay đài phát thanh gắn chặt với nhau. Trên hình ảnh đầy hồi ức đó, Đức Long cùng nhóm nhạc Pha Lê đã hát lên Tiếng sóng biển (Dương Thụ) ngợi ca vẻ đẹp của biển. Dòng hồi ức về một Đức Long thưở trai trẻ, chạm ngõ với âm nhạc chuyên nghiệp được tiếp nối qua Chiều Hạ Long (Đức Minh), ca khúc đã giúp anh giành HCV Hội diễn Văn nghệ quần chúng toàn quốc và sau đó được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp săn đón…
Đức Long đã có 14 năm trong quân ngũ, đi khắp nơi từ rừng xa, núi sâu, từ địa đầu đến hải đảo xa xôi để hát phục vụ những người lính, phục vụ nhân dân mọi miền Tổ quốc. Đó cũng là lý do để phần hát về người lính không thể thiếu trong chương trình.
Tại chương trình, NSND Thái Bảo đã tiết lộ từng 2 lần… "gạ gẫm" Đức Long. Chị kể: "Lần đầu tiên là lần tôi đi diễn ở Hạ Long, đứng trong cánh gà, tôi thấy một nam ca sĩ lên sân khấu rất gầy gò, dung nhan thì bình thường, nhưng khi anh cất giọng lên thì tôi sởn da gà. Tôi liền về nói với NSND Chu Thúy Quỳnh, khi đó là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, rằng có một anh hát rất hay, rất tình, giọng rất lạ, cô hãy mời anh về. Cô Quỳnh hỏi, có đẹp trai không? Tôi bảo cũng bình thường. Sau đó tôi đã "gạ" anh về Nhà hát.
Lần thứ hai là khi tôi muốn anh Đức Long có một chương trình xuất hiện trên truyền hình, tôi đi gặp cô Đàm Thanh để xin cho anh Long được quay một bài hát trên đài. Tôi nói với cô là anh Đức Long hát hay lắm, cô hỏi "Có đẹp trai không?", tôi lại nói là bình thường. Sau đó anh Đức Long thu âm trước bài hát, cô nghe xong thốt lên hát hay quá, tuyệt vời và bảo Đức Long đến. Hôm đó, anh đến với một chiếc áo sơ mi, quần kaki, vừa nhìn thấy anh, cô hơi sững lại, gọi tôi vào bảo bây giờ muốn Đức Long quay hình thì Thái Bảo phải làm minh họa cho Đức Long, đi quanh quẩn xung quanh như vậy, như vậy… Tôi nói, tôi không phải diễn viên múa, song cô bảo "Đức Long hát một mình… không được". Thế là cuối cùng lần đầu trong đời tôi làm người diễn minh họa cho một ca sĩ và đó cũng là lần đầu hai chúng tôi quay truyền hình cùng nhau".
Câu chuyện của Thái Bảo kể ẩn ý về một ngoại hình rất "bình thường" của Đức Long. Thế nhưng, ai cũng sẽ thấy rằng giọng hát anh đã mê hoặc tất cả, từ giới chuyên môn đến khán giả. Giọng hát và nhiệt huyết, sự khát khao truyền lửa tình yêu âm nhạc đến với mọi người còn giúp Đức Long sớm trở thành một giảng viên âm nhạc được lớp lớp thế hệ học trò yêu mến, kính phục. Chân dung âm nhạc Đức Long trong đêm liveshow Đức Long hát không thể thiếu hình ảnh người thầy Đức Long như vậy - một người thầy tài năng với giọng hát không trưng trổ kỹ thuật mà đã hòa tan tất cả phần kỹ thuật ấy vào cảm xúc, đưa xúc cảm trở nên nổi bật, chạm đến trái tim người nghe.
Phần hát tình ca để hoàn thiện nên chân dung âm nhạc Đức Long có điểm nhấn một nốt lặng khiến khán giả cũng như lặng đi cùng anh ở cõi Cô đơn. Giọng hát cô đơn, khắc khoải, bơ vơ của Đức Long trên sân khấu khi tiếng piano cùng hình ảnh của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vang lên. Giọng hát ấy có chút chơi vơi, hơi nghẹn lại với những dòng hoài tưởng về người nhạc sĩ tài ba Nguyễn Ánh 9, và rồi sau đó, một tiếng piano khác đã nối tiếp tiếng đàn tinh tế của Nguyễn Ánh 9 trên sân khấu và hòa với giọng hát Đức Long, đem đến những xúc cảm đầy xúc động cho khán giả. Đó là tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Quang - trưởng nam của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang nhận lời ra Hà Nội chỉ để đệm đàn duy nhất một bài Cô đơn cho Đức Long trên sân khấu, cũng là để hoàn thành phần nào đó tâm nguyện của cha anh sinh thời luôn muốn thực hiện một đêm nhạc Nguyễn Ánh 9 - Đức Long.
NSND Quang Vinh, Tổng đạo diễn đêm nhạc, từng chia sẻ, liveshow của Đức Long sẽ rất giản dị, không sử dụng bất cứ một hiệu ứng, công nghệ hiện đại nào… mà là một sân khấu tinh khiết, sạch sẽ, có độ tĩnh nhất định và âm nhạc sẽ như một tấm thảm rất đẹp để Đức Long lững thững bước đi trên đó. Đức Long đã chinh phục khán giả bằng giọng hát của chính mình, bằng không gian âm nhạc "tinh khiết" mà anh tạo nên. Giọng hát ấy thăng hoa hơn với phần âm nhạc tuyệt vời dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng NSND Ngọc Khôi, người bạn tri kỷ trong đời sống và âm nhạc của Đức Long.
Đặc biệt, trong liveshow Đức Long hát, cả chủ nhân đêm nhạc lẫn khán giả đều bất ngờ khi nhạc sĩ Đức Trịnh - tân Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam - lên trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam cho anh trên sân khấu. Đây là phần thưởng ý nghĩa đối với Đức Long, ghi nhận sự cống hiến không ngừng nghỉ của anh trong nghề. Hơn 4 thập kỷ, Đức Long đã luôn biến những nơi anh hát dù là sân khấu tạm bợ hay nhà hát lộng lẫy đều trở thành "thánh đường" cho âm nhạc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn