Ngay khi còn là sinh viên cho đến khi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu y khoa, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh đã tập trung nghiên cứu nhiều đề tài về chuyên ngành huyết học, ung thư. Bác sĩ Thanh chia sẻ: "Các bệnh lý về máu đang có xu hướng tăng lên. Tôi chọn nghiên cứu ở lĩnh vực vì muốn thử sức mình ở một lĩnh vực mới. Nghiên cứu cơ bản cần thiết phát triển các nghiên cứu lâm sàng để có bằng chứng khoa học áp dụng điều trị cho bệnh nhân. Từ đó, giúp điều trị các bệnh lý từ gốc".
Truyền cảm hứng cho các bạn trẻ
Khi làm các đề tài nghiên cứu, bác sĩ Nguyệt Thanh cho biết cô thường mời các bạn sinh viên năm 1, năm 2 cùng tham gia nhóm nghiên cứu. "Việc này sẽ truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học và giúp các bạn sinh viên giải quyết được khó khăn trong chọn và triển khai đề tài khi mới làm nghiên cứu. Những điều này tôi đã từng gặp phải khi còn là sinh viên. Chọn ở lại trường công tác, tôi mong muốn là một bác sĩ khi được giảng dạy sẽ vừa được chữa bệnh cho những bệnh nhân, vừa có thể góp sức đào tạo ra được nhiều bác sĩ giỏi". Bác sĩ Thanh chia sẻ.
Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm 2020, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, cô đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh với vai trò là Trưởng nhóm Thông tin - Đội hình Giảng viên, Sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC). Trong đó, Nguyệt Thanh đã thực hiện các chuyên đề phân tích về tình hình, diễn biến và thực trạng Covid-19 tại các ổ dịch lớn trên địa bàn TP. Hà Nội. Từ đó đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch và xây dựng các tài liệu, bộ cẩm nang để TP. HCM áp dụng trong các tình huống xảy ra tương tự tại các bệnh viện, doanh nghiệp, trường học,...
Nguyệt Thanh cũng tham gia dịch thuật các bài phát biểu chỉ đạo và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện chuyên đề "Phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở trường học" và chuyên đề "Chuẩn bị nơi làm việc của bạn sẵn sàng cho Covid-19".
Mong muốn được cống hiến sức trẻ
Được kết nạp Đảng khi mới là sinh viên năm 2, với tuổi đời 26 của mình, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ nghiên cứu và trải nghiệm. Nữ bác sĩ cho biết động lực để cô phấn đấu chính là suy nghĩ: "Trong chiến tranh còn khó khăn nhưng các thế hệ cha anh đã làm được những chiến thắng, thì trong điều kiện hôm nay, chúng ta được sống trong hòa bình với những điều kiện đầy đủ hơn rất nhiều tại sao mình không cố gắng để học tập, làm việc".
Từ kinh nghiệm của mình, Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh tâm sự: "Làm công tác nghiên cứu khoa học, không phải lúc nào cũng thành công. Đề tài đầu tiên tôi đã làm cả mùa hè nhưng khi tham dự Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka tôi đã bị rớt từ "vòng gửi xe". Điều quan trọng là khi thất bại tìm hiểu tại sao thất bại, vượt qua những khó khăn, mạnh dạn trao đổi người có nhiều kinh nghiệm, có niềm tin để thực hiện các đề tài".
Trong câu chuyện, nữ bác sĩ 9x luôn bày tỏ những hoài bão đóng góp công sức trẻ để phát triển cho Thành phố. "Giờ đây TP. HCM có đủ cơ sở điều kiện cho những người trẻ phát triển. Tôi nghĩ rằng, mỗi bạn trẻ như chúng tôi phải tạo ra cho mình dấu ấn riêng, năng động, tinh thần hội nhập quốc tế. Tự hào về những điều thế hệ cha anh đi trước đã làm được chính là một trong những động lực cho thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu vươn lên". Bác sĩ Nguyệt Thanh bày tỏ.
Với nỗ lực đóng góp của mình, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh được công nhận là Công dân trẻ tiêu biểu TP. HCM năm 2020 và vinh dự là một trong 65 gương sáng thanh niên được nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp năm 2021" do Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TCPVN tổ chức.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn