Bác sĩ tuổi Dần tham gia chống Covid-19: Mong ngày dịch bệnh không còn bủa vây

Linh Trần
31/01/2022 - 18:00
Bác sĩ tuổi Dần tham gia chống Covid-19: Mong ngày dịch bệnh không còn bủa vây

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thanh thăm khám cho bệnh nhân

Những trải nghiệm đã qua nơi tâm dịch khiến bác sĩ Nguyễn Đắc Thanh (sinh năm Bính Dần 1986, Khoa gây mê 1, Trung tâm gây mê hồi sức cấp cứu ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) thêm trân trọng cuộc sống. Trước thềm năm mới, điều mong mỏi lớn nhất của người “chiến sĩ áo trắng” này là sức khoẻ và bình an sẽ đến với mọi người, mọi nhà.

Rưng rưng khi người bệnh tiến triển tốt

Là một trong những y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức được cử vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, bác sĩ Nguyễn Đắc Thanh lên đường với tâm thế không sợ hãi. Làm việc tại vòng 1, tiếp xúc trực tiếp với các F0, công việc tuy vất vả, nguy hiểm nhưng bác sĩ Thanh cùng đội ngũ y, bác sĩ không nề hà mà làm việc đầy trách nhiệm, nhiệt tình với công việc được giao.

"Việc tôi làm có lẽ vẫn chưa giúp ích nhiều cho bệnh nhân. Trong những ngày vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, điều đau xót nhất với chúng tôi là mỗi lần phải chứng kiến những bệnh nhân mà mình chăm sóc trút hơi thở cuối cùng. Nếu không có Covid-19 thì…", bác sĩ Thanh xúc động nói.

Bên cạnh những mất mát, đau thương, niềm vui đối với bác sĩ Thanh là hàng ngày được thấy bệnh nhân có những tiến triển tốt, được chuyển xuống tầng dưới. "Có những bệnh nhân phải đặt máy thở, chúng tôi lo lắm, bởi lẽ khi đó, họ trong tình trạng rất nặng. Nhưng sau quá trình chiến đấu, bệnh nhân đã rút được máy thở, các chỉ số dần ổn định, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Ngày bệnh nhân được chuyển xuống tầng dưới để phục hồi, các bệnh nhân và y bác sĩ ai cũng rưng rưng", bác sĩ Thanh kể lại.

Mong năm tới bác sĩ sẽ "nhàn" hơn, ít bệnh nhân hơn

Những ngày vào TP Hồ Chí Minh tham gia chống dịch, bác sĩ Thanh phải gửi 2 con nhỏ nhờ bố mẹ trông giúp. Đứa lớn năm nay vào lớp 1. Con học online trong điều kiện xa mẹ, phải tự luyện những nét chữ đầu tiên, chị thương lắm. Vì thế, ngày nào chị cũng gọi điện thoại về cho con, hỏi thăm việc ăn uống, học hành.

Từ tâm dịch trở về Hà Nội, bác sĩ Thanh cùng đồng nghiệp lại bước vào guồng quay mới với bộn bề công việc, tranh thủ từng giờ, từng phút chữa bệnh, cứu người. Những ngày cuối năm, khi dòng người ngược xuôi sắm Tết, trong bệnh viện, những "chiến sĩ áo trắng" vẫn căng mình giành giật sự sống cho bệnh nhân. Chuyện "mất" giao thừa vì cứu bệnh nhân đã không còn xa lạ với họ.

"Có năm, khi chúng tôi vừa chuẩn bị chúc mừng năm mới nhau thì có bệnh nhân cấp cứu. Ca mổ kéo dài đến 2h ngày mùng 1 Tết. Lúc phẫu thuật, chúng tôi hết sức tập trung để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Vì vậy, giao thừa qua lúc nào cũng chẳng hay", bác sĩ Thanh tâm sự.

Năm nào cũng vậy, mong muốn lớn nhất với họ là năm tới bác sĩ sẽ "nhàn" hơn, ít bệnh nhân hơn. Năm nay, mong mỏi đó càng lớn hơn. Thấm thía cái mong manh giữa sự sống và cái chết trong những ngày chống dịch, bác sĩ Thanh thêm trân trọng cuộc sống và luôn hy vọng vào ngày mai - ngày mà sự sống được nối dài, dịch bệnh không còn bủa vây.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm