Nỗi lòng bác sĩ điều trị F0 tại cộng đồng

PV
26/01/2022 - 14:44
Nỗi lòng bác sĩ điều trị F0 tại cộng đồng

Nhân viên y tế phường Trung Phụng (Q.Đống Đa, Hà Nội) kiểm tra sức khỏe, tiêm vaccine Covid-19 cho người dân

Một ngày làm việc của bác sĩ phường mùa dịch thường từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, trong áp lực cao...

Người ít, việc nhiều

Từ khi chuyển hướng chiến lược trong phòng chống đại dịch Coivd-19 với việc chấp nhận F0 trong cộng đồng, tình hình dịch ở Hà Nội có những diễn biến phức tạp. Từ cuối năm 2021 đến nay, Hà Nội luôn dẫn đầu số ca mắc mới. Số lượng F0 tăng vọt, cùng với triển khai các công tác chống dịch nên công việc của nhân viên y tế xã, phường không có lúc nghỉ. Mỗi trạm y tế phường có chưa đến 10 người nhưng phải chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho mấy chục ngàn dân trên địa bàn, từ điều trị cho F0 tại nhà đến truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng vaccine…

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trạm trưởng Trạm y tế phường Trung Phụng (quận Đống Đa) cho biết, đã từ lâu, công việc của các chị không còn theo giờ hành chính nữa mà bao giờ "đỡ việc" thì nghỉ. Một ngày của chị thường bắt đầu từ 7h đến 21h. Chị kể, khoảng 6h sáng dậy cơm nước, chuẩn bị cho con ăn sáng để học rồi đến Trạm y tế làm việc khoảng 7h. Công việc đầu tiên mỗi ngày của chị là mở danh sách các trường hợp F0 tại nhà đang theo dõi. Sau đó, chị chạy xe máy đến nhà một số F0 để kiểm tra, thăm hỏi. 

Bà N.T.B. (ngoài 40 tuổi, ở phố Ngõ Chợ Khâm Thiên nhiễm Covid-19 đã hơn 1 tuần sau một lần sàng lọc ở công ty và đang cách ly tại nhà. Đến nhà, bác sĩ Thúy bấm chuông cửa, một người phụ nữ mở hé cửa. Bác sĩ Thúy thăm hỏi diễn biến sức khỏe, rồi tư vấn chế độ ăn uống, ngủ nghỉ cũng như sử dụng các loại thuốc cần thiết. Sau đó, bác sĩ Thúy đến nhà F0 khác cũng ở cùng ngõ để thăm khám. Trong buổi sáng, bác sĩ Thúy đã đến nhà 5-6 trường hợp F0, hầu hết đều chung trên cùng tuyến đường để kiểm tra sức khỏe. Theo đánh giá, các bệnh nhân đều có chuyển biến theo hướng tốt lên. Duy có một trường hợp có dấu hiệu trở nặng, đã được gia đình phối hợp với BV chuyển đến khu vực cách ly, điều trị dành cho bệnh nhân Covid-19.

Nỗi lòng bác sĩ điều trị F0 tại cộng đồng - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thúy tiếp nhận thông tin của người dân qua đường dây nóng

Vừa đi đường, phút chốc bác sĩ Thúy lại có điện thoại đến. Chị bảo, hầu hết các cuộc điện thoại là F0 hoặc nghi ngờ F0 trên địa bàn phường gọi đến. Trường hợp nhẹ bác sĩ tư vấn điều trị, cách ly tại nhà. Trường hợp nặng thì hỗ trợ, cử nhân viên y tế liên hệ để lấy mẫu xét nghiệm lại và chuyển đến cơ sở thu dung điều trị Covid-19. "Ngoài số hotline của trạm do tôi cầm, trạm còn lập thêm nhóm zalo để tiếp nhận thông tin nhanh nhất của người dân. Dẫu vậy, do số F0 cao, nên điện thoại luôn trong tình trạng "nóng" máy", bác sĩ Thúy nói.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lanh, Phó Trạm trưởng Trạm y tế phường Văn Chương (quận Đống Đa) cho biết, thời gian qua, công việc của nhân viên y tế như chị rất nhiều. Như chị, sáng ngày 20/1, ngoài đi kiểm tra, nắm bắt thông tin các F0 tại nhà còn tham gia tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân trên địa bàn và hỗ trợ tư vấn qua điện thoại. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khác. "Có thời điểm, phường ghi nhận tới 60-70 ca mắc Covid-19 mới trong khi cả trạm chỉ có vài người. Vì thế, công việc luôn trong tình trạng quá tải, người thì ít, việc thì nhiều. Các nhân viên thường kết thúc làm việc vào 21h- 22h, không có ngày nghỉ là chuyện bình thường", bác sĩ Lanh chia sẻ.

"Có nhân viên y tế phường thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng đi làm 20 km, trừ chi phí xăng xe, điện thoại, ăn trưa thì đã hết, chẳng có đồng nào để hỗ trợ gia đình. Còn tiền phụ cấp thì chưa biết bao giờ mới có", Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trạm trưởng Trạm y tế phường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội)

Mong được chia sẻ

Công việc vất vả là thế, nhưng cũng có nhiều người dân không hiểu, khi chỉ thấy nhân viên y tế "chậm" đáp ứng một chút đã "khùng" lên, gây khó dễ. Bác sĩ Thúy cho biết, khi tiếp nhận thông tin từ người dân, cán bộ y tế cơ sở phải điều tra, phân loại thận trọng, rồi mới chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, nhiều người dân không hiểu, cho rằng nhân viên y tế không làm việc, rồi kiện cáo. "Có trường hợp xét nghiệm tại nhà phát hiện dương tính với SARS-Cov-2. Chúng tôi đã hướng dẫn, điều tra dịch tễ, mời cả nhà ra lấy mẫu xét nghiệm lại. Thế mà gia đình còn khiếu nại lên cấp trên, bảo y tế phường không đến nhà lấy mẫu", bác sĩ Thúy chia sẻ.

Một nhân viên y tế tại Trạm y tế xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay hầu hết y tế xã, phường ở Hà Nội đều quá tải. Ví như Trạm y tế xã Cự Khê, hiện có 9 nhân viên y tế nhưng chăm sóc sức khỏe cho khoảng 24.000 người dân. Chị tâm sự: "Chúng tôi rất quá tải, đặc biệt trong công tác quản lý và điều trị F0 tại nhà. Bởi lẽ, chúng tôi vừa phải điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, vừa tiêm chủng vaccine Covid-19 cho hàng ngàn người dân. Vì thế, chúng tôi mong muốn người dân và cộng đồng hiểu, và chia sẻ với nhân viên y tế chúng tôi".

Công việc vất vả là thế, nhưng thu nhập của các nhân viên y tế chẳng được bao nhiêu. Bác sĩ Thúy bảo, hơn 2 tháng qua, các y bác sĩ vất vả làm việc nhưng thu nhập thấp, tinh thần lại luôn trong trạng thái căng thẳng. Chia sẻ với các nhân viên y tế xã, phường, ông Nguyễn Thế Toàn, Chủ tịch UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, thời gian qua nhân viên y tế đã rất vất vả, nhất là ở tuyến cơ sở. Nhân viên y tế xã, phường phải chăm sóc F0 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc Covid-19, truy vết khoanh vùng khi có ổ dịch mới, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng, làm các công việc tại trạm y tế lưu động,… Trong khi đó, thu nhập của họ rất thấp. Hiện nay, đã sắp đến Tết Nguyên đán, hỗ trợ cũng là tri ân nhân viên y tế giúp họ có thêm một khoản lo cho gia đình. 

Ông Toàn đề nghị cần thưởng Tết cho nhân viên y tế cơ sở cao hơn mọi năm. "Thưởng Tết cao cũng là lời cảm ơn, tri ân cho những cống hiến của họ trong thời gian vừa qua và cũng là tiếp sức để họ thêm vững tin trên hành trình chống dịch còn dài phía trước", ông Toàn bày tỏ.

Thông báo số 64/TB-UBND của UBND TP Hà Nội về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, cập nhật đến 9h ngày 21/1/2022 cho biết: Tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội thuộc cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng), không có quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh). Đến nay, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn Hà Nội là 99,7% (trong khi tỷ lệ tối thiểu cần đạt là 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine là 98% (trong khi tỷ lệ tối thiểu cần đạt là 80%).
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm