Đặt chân đến xã Phạm Văn Hai, nhắc đến cô Nguyễn Thị Giàu ai cũng trầm trồ khen ngợi. Đó là nữ cán bộ "miệng nói, tay làm", gương mẫu, gần dân, tận tụy với công việc. Hơn hết, cô là người có tấm lòng bao dung, thương người, dành nhiều sự quan tâm trong công tác chăm lo cho người nghèo.
Cô Giàu cho biết, bản thân sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thời trẻ, cô phải vừa đi học vừa giúp việc nhà cho một gia đình ở Thủ Đức. Nhờ tính tình chịu khó, siêng năng, thật thà nên cô được lòng chủ. Cô được chủ nhà tạo điều kiện ban ngày giúp việc, ban đêm đi học. Vậy nên, khi trở thành cán bộ xã cô luôn dành nhiều sự yêu thương đến với người nghèo, hết mình phục vụ nhân dân. Cô đến với từng mảnh đời khốn khó bằng tất cả sự thông cảm và thấu hiểu của một người từng trải.
Trong một dịp đi cùng cô xuống thăm các gia đình khó khăn, chúng tôi cảm nhận được rằng, cô đi đến đâu cũng được dân thương dân mến. Hộ nào cũng tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy cô như một người thân trong gia đình. Nhiều chị còn khoe với chúng tôi là nhờ có cô Giàu mà họ có được cuộc sống khởi sắc như bây giờ, nhờ cô mà gia đình mới vượt qua được khó khăn và có phương tiện sinh kế đảm bảo được cuộc sống và thoát được cảnh nghèo.
"Tôi quan niệm rằng giúp được ai cái gì cứ giúp miễn họ vui là mình vui. Giúp một ai đó không phải vì mình là cán bộ này kia, mà là tình người với nhau. Để được mọi người tin tưởng, thì mình phải thực tế, song hành cùng bà con. Mỗi kỳ họp tổ dân phố, các buổi tiếp xúc cử tri tôi lặng lẽ quan sát và chăm chú lắng nghe bà con chia sẻ và hỏi thăm từng người, hướng dẫn bà con từng chính sách quy định", cô Giàu chia sẻ.
Cô Giàu còn tích cực tham gia trong công tác hiến máu cứu người, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam. Cô đã tham gia hiến máu nhân đạo 37 lần. Đồng thời, cô còn vận động người thân trong gia đình và đồng nghiệp trong cơ quan cùng tham gia hiến máu khi có thể, để giúp đỡ được phần nào những người đang chênh vênh giữa sự sống và cái chết. Việc làm của cô đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen từ các cấp. Tâm nguyện của cô sẽ tiếp tục làm việc thiện và sẽ duy trì việc hiến máu khi sức khỏe của mình còn có thể vì "Một giọt máu cho đi, một tấm lòng ở lại".
Nhiều năm qua, với vai trò là người cán bộ Mặt trận, cô Giàu còn luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, các gia đình hộ nghèo. Cô phối hợp với các tổ chức thành viên để tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài xã đóng góp thêm nguồn lực như: Tiền mặt và các nhu yếu phẩm để hỗ trợ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hàng tháng, cô trực tiếp đến từng hộ gia đình có người già neo đơn hoặc bệnh tật để trao tận tay tiền chính sách.
Hình ảnh của cô càng được mọi người nhớ nhiều hơn cả là lúc cô tham gia chống dịch Covid-19. Dù đã hơn 1 năm trôi qua nhưng người dân vẫn còn in đậm về người phụ nữ chạy đôn chạy đáo tiếp sức các hộ dân từng bó rau, chai mắm.
Cô Giàu nhớ lại, giai đoạn đó, cô đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm an sinh xã hội của xã. Suốt thời gian dịch bệnh cô chưa có ngày được nghỉ. Cô tham gia vào nhiều khâu từ vận động các nhà hảo tâm đến tiếp nhận và phân phát rau quả, mắm, đường, mì, gạo… đến 7 ấp trong xã.
Cứ thế, ban ngày, cô tiếp nhận và phân chia hàng hóa, đi đến những hộ phong tỏa cách ly để thăm hỏi và động viên. Ban đêm, cô theo dõi trên cổng thông tin 1022, trên Facebook Phạm Văn Hai ngày mới để nắm tình hình đời sống của bà gặp khó khăn để kịp thời giúp đỡ.
Nhờ những người cán bộ tận tụy như cô đã giúp cho TPHCM trở lại vùng xanh an toàn, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã vượt qua cơn nguy khó.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn