Ngày 20/2, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã tiếp nhận nữ bệnh nhân bị lóc toàn bộ da đầu do tai nạn lao động và được phẫu thuật ghép lại thành công.
Theo đó, vào 7h sáng 18/1, khi đang làm việc tại nhà máy kéo sợi, chị P.T.K.0. (28 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) bị lực hút của máy kéo sợi hút tóc khiến da đầu bị lóc toàn bộ. Ngay sau đó, chị O. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Gò Dầu sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Xuyên Á Tây Ninh và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào lúc 10 giờ.
Trong lúc bệnh nhân được đưa đi cấp cứu thì công nhân tại nhà máy đã lấy mảng da đầu bị lóc vào túi nylon chứa trong thùng đá và chuyển đến bệnh viện sau đó.
Ngay khi tiếp nhận, ê-kíp bác sĩ khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy đã kích hoạt quy trình báo động đỏ. Bệnh nhân nhanh chóng được làm xét nghiệm, khám chuyên khoa… và phẫu thuật lúc 13h cùng ngày. Sau mổ vạt da tưới máu tốt, vành tai đứt rời sống tốt. Khi tái khám, bác sĩ đánh giá vết thương lành tốt, tóc bệnh nhân cũng đã mọc lại.
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trường hợp của bệnh nhân là một tổn thương rất nặng rất khó xử trí do toàn bộ mảng da đầu bị lóc, hơn nữa mảng da này bị nghiền trong máy khiến bị mạch máu bị dập nát. May mắn là bệnh nhân được đưa đến bệnh viện khá nhanh, mảng da đầu được bảo quản, đưa đến bệnh viện.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã kích hoạt tốt kíp mổ vi phẫu. Khâu tổ chức nhịp nhàng từ cấp cứu đến khoa bỏng - tạo hình, gây mê hồi sức, ngoại thần kinh. "Cái khó nhất là tìm và nối mạch máu trên da dầu vì dập nhiều do máy cuốn, cũng như theo dõi hậu phẫu, không để bị tắc mạch, máu đông sau mổ", bác sĩ Hiệp nói và cho hay trang thiết bị, kính vi phẫu tốt cũng đã góp phần tạo nên thành công của ca phẫu thuật.
Cũng theo bác sĩ, trong trường phần da đầu bị lóc ra không được bảo quản đúng cách, bị hoại tử thì việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có trường hợp tóc bệnh nhân không mọc lại được.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thêm khi một bộ phận cơ thể rời cơ thể thì sẽ mất máu nuôi. Trong khoảng thời gian dưới 6 tiếng, nếu bộ phận này được nối lại, tái thông thì tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, càng sau thời gian này thì tỷ lệ hoại tử sẽ càng cao. Trong trường hợp này, nếu phần da dầu bị lóc ra bị hỏng thì "hành trình" tìm da để đắp lại cho bệnh nhân sẽ gian nan vô cùng.
Cũng theo bác sĩ Việt, qua trường hợp này tiếp tục cảnh báo vấn đề an toàn trong lao động. Đặc biết, đối với những người phụ nữ tóc dài khi làm việc trong môi trường có lực hút, quay thì cần chú ý mái tóc gọn gàng. Bên cạnh đó, trong trường hợp đồng nghiệp không may gặp nạn thì những người trong nhà máy, công ty cần xử trí, bảo quản phần da bị lóc đúng, kịp thời.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 8-10 trường hợp bệnh nhân bị lóc đầu do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt. Tuy nhiên, do bệnh nhân ở các tỉnh xa, bảo quản phần da đầu bị lóc ra không đúng cách, đưa đến bệnh viện trễ nên đa phần không phẫu thuật ghép lại được.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn