Phấn đấu đảm bảo việc làm bền vững cho người khuyết tật

19:18 | 21/12/2022;
Nhờ sự trợ giúp trực tiếp, rất nhiều người khuyết tật vượt lên chính mình, vượt qua sự tự ti để sống một cuộc sống có ý nghĩa; trở thành những tấm gương về sự kiên trì, vươn lên trong cuộc sống…

Trong những năm vừa qua, vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) được Hội NKT TP Hà Nội thúc đẩy mạnh mẽ theo hướng đảm bảo việc làm bền vững cho NKT.

Theo đó, năm 2018, Hội đã ký với Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH một Hợp đồng công việc. Hội thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc, kỹ năng tìm việc, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm thành công cho NKT.

Phấn đấu đảm bảo việc làm bền vững cho người khuyết tật  - Ảnh 1.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu Hội Người khuyết tật TP Hà Nội lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra ngày 21/12/2022 tại Hà Nội.

Nhóm giảng viên nguồn của Hội đã thực hiện 12 cuộc tập huấn với nội dung này cho khoảng 360 NKT có nhu cầu việc làm; tư vấn về việc làm cho 600 lượt NKT, tổ chức cho khoảng 160 NKT đi thăm 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương có người khuyết tật tham gia làm việc.

Cũng trong năm này, nhằm thử nghiệm mô hình liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm cho NKT, Hội đã hợp tác với công ty IntelLife thực hiện dự án "Chung tay vì cộng đồng". Hai bên đã phối hợp xây dựng, vận hành xưởng may cho người khuyết tật, dạy nghề tại chỗ và trang bị các kỹ năng làm việc trong môi trường doanh nghiệp cho anh chị em.

Tại đây, NKT được làm việc trong một môi trường tiếp cận, thân thiện, được quan tâm chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần. Sau 3 tháng đầu tiên, có 30 NKT làm việc tại xưởng, đến năm 2021 con số đó lên tới 185 NKT làm việc ở các vị trí khác nhau tại công ty. Anh chị em khuyết tật không những có việc làm, thu nhập ổn định, mà đời sống tinh thần cũng cải thiện rõ rệt.

Hội phối hợp với các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp dạy nghề cho 200 thanh niên khuyết tật, đồng thời, học viên cũng được đào tạo các kỹ năng mềm giúp dễ dàng hòa nhập trong môi trường doanh nghiệp. Trong khuôn khổ dự án đã thành lập Mạng lưới các doanh nghiệp tuyển dụng NKT nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm tuyển dụng, hỗ trợ NKT làm việc ổn định, cập nhật thông tin về chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NKT...

Năm 2022, trong dự án hợp tác với Quỹ ASEAN (ASEAN Foundation) về tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 2 Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật vào tháng 4 và tháng 9, thu hút khoảng 520 NKT tham gia, trong đó 90 người được tuyển dụng, 130 người được hẹn phỏng vấn sâu lần 2 và 100 người được tư vấn tại hội chợ.

Nhiều tổ chức hội viên tích cực hỗ trợ hàng trăm hội viên tìm kiếm việc làm. Ví dụ, Hội NKT huyện Mê Linh hiện có 100 hội viên làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn, Hội NKT Hoàng Mai thành lập cửa hàng photocopy, tạo việc làm cho 10 NKT. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ thuộc các Hội NKT Hà Đông, Đông Anh, Sóc Sơn, Phú Xuyên... cũng là địa chỉ tạo việc làm cho NKT.

Bên cạnh việc thúc đẩy sự tham gia của NKT vào thị trường lao động, các tổ chức hội viên của Hội, đặc biệt là các Hội NKT quận, huyện, tích cực tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay có hơn 500 NKT được vay vốn để sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ với tổng số dư nợ trên 20 tỷ đồng.

Những thông tin trên được đưa ra trong Đại hội Đại biểu Hội Người Khuyết tật TP Hà Nội lần thứ V nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra ngày 21/12/2022 tại Hà Nội.

Phấn đấu đảm bảo việc làm bền vững cho người khuyết tật  - Ảnh 2.

Ban thường trực Hội NKT TP Hà Nội nhiệm kỳ 2022-2027. Tân Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội là ThS. Đỗ Thị Huyền, sinh năm 1976.

Hiện tại, mạng lưới hội viên Hội NKT Hà Nội đã bao phủ hết 30 quận, huyện của Hà Nội với tổng số khoảng 16.000 người. 94% các Hội NKT quận, huyện nhận được kinh phí hỗ trợ hoạt động từ UBND với các mức độ khác nhau, 60% được hỗ trợ văn phòng làm việc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn