Truyền dạy nghề, trao tương lai, hy vọng cho người khuyết tật

Truyền dạy nghề, trao tương lai, hy vọng cho người khuyết tật

Với một người bình thường, việc học nghề đã không dễ dàng gì, nhưng với người khuyết tật thì khó khăn còn nhân lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Song bằng tình yêu thương và sự cảm thông, anh Lê Việt Cường đã trở thành thành chỗ dựa tinh thần, thắp lên hy vọng của người cùng cảnh ngộ.

Vượt lên hoàn cảnh

Câu chuyện về anh Lê Việt Cường bắt đầu từ khi anh hơn một tuổi, sau khi trải qua trận ốm "thập tử nhất sinh" thì anh gần như bị bại liệt cả 2 chân. Không đầu hàng số phận, anh luôn cố gắng theo đuổi ước mơ và mong muốn làm được điều gì đó có ích cho bản thân và những người đồng cảnh ngộ với mình. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng tin học, anh Cường nhanh chóng tìm được công việc với mức lương ổn định. Nhưng khát khao làm điều lớn lao hơn, anh đã cùng 2 người bạn, cũng là người khuyết tật, thành lập nên Công ty CP Kymviet với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 90 triệu đồng.

Thắp lên ngọn lửa hy vọng cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Anh Lê Việt Cường, sáng lập Công ty CP Kymviet

"Nhiều người hỏi tôi tại sao lại thành lập doanh nghiệp xã hội như Kym Việt? Thú thực đến giờ tôi vẫn khá mơ hồ với khái niệm này. Tôi chỉ nghĩ rằng mình được học hành hơn các bạn, có kinh nghiệm làm việc nhiều hơn nên muốn làm những việc nhỏ thôi, để thay đổi cả cách nhìn của xã hội đối với người khuyết tật", anh Cường cho biết.

Cầm tay chỉ việc

Với một người bình thường, việc học nghề đã không dễ dàng gì, nhưng với người khuyết tật thì khó khăn còn nhân lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Những lao động của Kymviet đều là những người khuyết tật trẻ gặp vấn đề về sức khỏe và giao tiếp như bị thiểu năng trí tuệ, bị câm, điếc… Do đó, thời gian học nghề của họ phải kéo dài từ 8 tháng đến 1 năm mới có thể cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Anh Cường khẳng định, người khuyết tật hay có tâm lý ỉ lại với suy nghĩ chẳng cần làm gì cũng có người giúp mình. Đào tạo họ thành công, ngoài sự kiên trì thì điều quan trọng là không được nổi nóng và ép buộc.

Để đào tạo người khuyết tật, ngoài sự kiên trì thì điều quan trọng là không được nổi nóng và ép buộc.

Không chỉ mang đến công việc hay thu nhập, anh Cường cùng các cộng sự của mình còn lo cho họ từ bữa ăn, giấc ngủ, chế độ bảo hiểm và ngay cả những việc nhỏ nhặt như ốm đau, bệnh tật. Để làm được điều đó, bản thân anh ngoài quản lý Kymviet còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Hàng ngày, anh phải chạy xe 30-40km tới những nơi làm việc. 

Anh Cường hầu như không có ngày nghỉ, ngay cả mức lương tại Kymviet cũng là con số rất nhỏ so với công sức bỏ ra và được tái sử dụng hoàn toàn vào việc chăm lo đời sống của người lao động tại doanh nghiệp. Thời điểm Kymviet đứng trên bờ vực phá sản, anh chấp nhận nghỉ việc để quay về tập trung quản lý công ty, đồng thời bỏ tiền riêng ra trả lương cho công nhân trong suốt 2 năm và chỉ nhận lại khoản tiền lương rất nhỏ đủ chi trả xăng xe, điện thoại.

Thắp lên ngọn lửa hy vọng cho người khuyết tật - Ảnh 3.

Công việc đã giúp nhiều người tự tin và có thu nhập ổn định

Cô Hoàng Thị Hậu, một người khuyết tật làm việc tại Kymviet nhận đinh: "Anh Cường đã mang đến một công việc chính đáng phù hợp với khả năng của chúng tôi, giúp chúng tôi giảm bớt mặc cảm và tự tin hơn trong cuộc sống".

Mong muốn quảng bá văn hóa Việt

Trải qua 6 năm hình thành và phát triển, từ một mô hình doanh nghiệp nhỏ chỉ với 3 lao động, đến nay Kymviet đã trở thành mái nhà của 15 lao động khuyết tật. Mục tiêu anh đặt ra là đến năm 2025, công ty sẽ tạo việc làm ổn định cho 60 lao động khuyết tật.

Những sản phẩm thú nhồi bông của Kymviet được đánh giá cao về sự tinh xảo và bày bán tại sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, làm quà tặng cho một số doanh nghiệp, hay bán trực tiếp ở khu vực phố cổ Hà Nội và các cửa hàng bán lẻ đồ lưu niệm ở Hà Nội, Đà Nẵng. Nhiều sản phẩm còn theo chân khách du lịch ra nước ngoài và được du khách đặc biệt yêu thích.

Những mẫu sản phẩm do người khuyết tật làm ra

Mới đây, anh Cường còn tuyển thêm 10 lao động để đào tạo nghề làm tranh vải. Anh cho biết, người khuyết tật được nhà nước và các tổ chức từ thiện định hướng cho đi học may khá nhiều. Tuy nhiên, không phải người khuyết tật nào cũng làm được thú nhồi bông, nên anh đã nghĩ ra ý tưởng làm tranh vải phù hợp với sức khỏe và nhận thức của họ. Trong 8 tháng đầu học nghề, anh còn mời thêm nhiều họa sỹ và nghệ nhân đến đào tạo cho người lao động. Sản phẩm tranh ghép vải tập trung vào mô phỏng những bức tranh dân gian Đông Hồ và cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam với mong muốn tới cuối năm 2018, những sản phẩm đầu tiên sẽ được giao tới tận tay người tiêu dùng.

Công việc không chỉ giúp những người khuyết tật có công việc ổn đinh mà còn là cách để giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới 

Nghệ sỹ Minh Khuê, một trong những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho 10 lao động làm tranh nhận xét: "Mô hình của anh Cường hay ở chỗ, nó không chỉ giúp những người khuyết tật có công việc ổn đinh mà còn là cách để giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các sản phẩm của họ. Đấy mới là giá trị lớn hơn cả."

Anh Cường cũng chia sẻ rằng, mô hình làm tranh ghép vải được anh dành nhiều kỳ vọng để phát triển trong tương lai. Bên cạnh những sản phẩm của người khuyết tật, anh còn muốn tổ chức các chương trình tham quan dành cho du khách đến trực tiếp trải nghiệm. "Khách có thể ghé thăm xưởng, ghép một bức tranh nhỏ khổ A4 về Hồ Gươm. Đó cũng là cách để du khách tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, cũng là cơ hội để người khuyết tật chứng minh, họ hoàn toàn có thể tạo ra được những sản phẩm chất lượng đúng như slogan mà Kymviet hướng tới: Product instead of speech."


Hoàng Oanh
31/10/2022 16:00