Theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đền năm 2045", trong đó nêu rõ, phát triển thương mại trong nước gắn với phát triển đa dạng về chế độ sở hữu, loại hình tổ chức và phương thức hoạt động của các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh tế cá thể và hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân liên kết tham gia thị trường.
Quyết định cũng nêu rõ mục tiêu giai đoạn 2021 – 2030, phấn đấu đạt trên 40 - 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2031 – 2045, phấn đấu đạt trên 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Đồng thời Quyết định cũng nêu nhiệm vụ, giải pháp; trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị;
Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã,...) trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam...
Chị Nguyễn Thùy Dung, Founder của Vianxanh.vn, gây dựng start-up đưa Vianxanh trở thành nơi chia sẻ, kết nối và tiêu thụ các sản phẩm nông sản minh bạch, rõ ràng nguồn gốc và tập trung đến các sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, hướng hữu cơ hoặc đang chuyển đổi.
Chị cho biết, trong lĩnh vực nông sản còn tồn tại nhiều bất cập, nhiều nơi sản lượng tồn đọng không biết bán cho ai; trong khi đó, có những nơi muốn mua cũng không có. Lý do chính là người mua và người bán thiếu thông tin và chưa có một trang thông tin uy tín để đánh giá, cập nhật hết các nguồn nông sản trong cả nước.
Từ những suy nghĩ đó, Thùy Dung quyết định thành lập sàn thương mại điện tử về nông sản Vianxanh với mong muốn trang thông tin có thể cập nhật được thông tin nông sản từ nhiều người nông dân ở khắp đất nước Việt Nam.
Cũng như Thuỳ Dung, hiện nay có rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp không ngừng sáng tạo, hướng các hoạt động hỗ trợ người nông dân, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ tiếp cận với công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử.
Qua đó, góp phần tích cực để doanh nghiệp phát triển bền vững, đẩy mạnh thương mại, xoá đói giảm nghèo, tích cực thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đền năm 2045".
Tại hội nghị mới đây, đại diện Lazada Việt Nam và Thái Lan chia sẻ: Chuyển đổi số đang trở thành giải pháp thiết yếu cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Với nhóm phụ nữ, phụ nữ dân tộc thiểu số đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch, trang bị kỹ năng cần thiết giúp họ chuyển đổi số hiệu quả thông qua thương mại điện tử sẽ giúp giảm thiểu tác động của việc gián đoạn chuỗi cung ứng và các thách thức cho cộng đồng về lâu dài.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn