Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp

Vân Anh
07/10/2022 - 15:27
Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp

Thương mại điện tử là phương thức nhanh chóng và thuận tiện giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng toàn cầu.

Hội nghị đã góp phần tăng cường kết nối thương mại điện tử, là cầu nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các sàn thương mại điện tử quốc tế, các đối tác cung cấp giải pháp số để từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hội nghị "Nâng cao năng lực sản xuất và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các Hội nghị chuyên sâu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hội nghị tập trung cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất địa phương, hợp tác xã …

Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá hàng Việt thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: "Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến hoạt động thương mại, đầu tư, ngành dịch vụ của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Con số những doanh nghiệp thành công đạt doanh thu trực tuyến cao ngày càng đông. Thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là một vấn đề mới với doanh nghiệp, đòi hỏi kỹ năng tốt để tham gia nhưng ngày nay đang trở thành kênh kinh doanh hiệu quả và bền vững nếu doanh nghiệp tận dụng được lợi thế và nâng cao năng lực phát triển".

Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, cùng với cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Tại Việt Nam đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.

Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp  - Ảnh 2.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương giới thiệu về tầm quan trọng của phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời có thể chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.

Thông qua việc tham dự Chương trình, các doanh nghiệp được trang bị kiến thức chuyên ngành về xuất khẩu, cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó giúp xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực như: Nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vận hành và trên sàn thương mại điện tử Amazon, Chương trình "Xuất khẩu B2C cho doanh nghiệp sản xuất địa phương và hướng dẫn vận hành qua Sàn thương mại điện tử Shopee quốc tế (Shopee International Platform)".

Có thể nói, chương trình này là cơ hội không chỉ dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân, có sản phẩm chất lượng và biết vận dụng tốt thương mại điện tử cho hoạt động kinh doanh của mình, từ đó quảng bá và giới thiệu tinh hoa hàng Việt Nam, mang niềm tự hào hàng Việt Nam ra thế giới. Hội nghị đã góp phần tăng cường kết nối thương mại điện tử, là cầu nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các sàn thương mại điện tử quốc tế, các đối tác cung cấp giải pháp số để từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm