Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam

11:37 | 17/09/2022;
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 9-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 9-NQ/TW, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân, trong đó đã có 7 tỷ phú. Chất lượng đội ngũ doanh nhân cũng ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân: Trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, khi có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sĩ/tiến sĩ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học.

Đội ngũ nữ doanh nhân ngày càng lớn mạnh

Năm 1982, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thông qua Công ước của Liên Hợp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, với hơn 70% dân số nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Nói đến phụ nữ Việt Nam ta là nói đến tinh thần dũng cảm, lòng vị tha, sự cần cù, thủy chung, đặc biệt, người phụ nữ Việt Nam còn rất tài năng và sáng tạo. Việt Nam tự hào có truyền thống lâu đời về phụ nữ tham gia hoạt động sản xuất và kinh doanh. 

Trên thực tế, Việt Nam có 30% phụ nữ tham gia lãnh đạo doanh nghiệp, qua đó chứng tỏ, vai trò của nữ doanh nhân trong nền kinh tế - xã hội đang ngày càng được khẳng định và lan tỏa. Ngoài vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho người lao động, các nữ doanh nhân Việt Nam được đánh giá ngày càng chủ động hơn trong các hoạt động phát triển sản xuất và kinh doanh, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội và cho phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. 

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vừa qua, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đứng vững, đạt mức tăng trưởng cao, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, khởi nghiệp và những nữ doanh nhân khác.

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam - Ảnh 1.

Các nữ doanh nhân không ngừng học tập, nâng cao trình độ

Theo số liệu từ Báo cáo của VCCI, hiện số lượng doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, từ 4% vào năm 2009 đã lên tới 21% vào năm 2011 và đến nay đạt tỷ lệ khoảng 25%. Tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng ghi nhận đang có chiều hướng tăng lên, đặc biệt là có sự đa dạng về ngành nghề sản xuất, kinh doanh và doanh số. Các doanh nghiệp nữ cũng không ngừng lớn mạnh về chất lượng mà mở rộng địa bàn hoạt động.

Đặc biệt, không chỉ tăng lên về số lượng, nhiều doanh nhân nữ hiện nay đã đạt được những thành tựu lớn, được vinh danh nhiều danh hiệu cao quý và các giải thưởng quốc tế, như: Anh Hùng lao động thời kỳ đổi mới; "Top 50 doanh nhân quyền lực nhất châu Á" nhiều năm liên tiếp; "Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu"; "Nữ doanh nhân quyền lực" tại Diễn đàn Tri thức Thế giới (Hàn Quốc); "Top 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp khu vực"… 

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam - Ảnh 2.

Nhiều nữ doanh nhân được nhân danh hiệu cao quý và các giải thưởng trong nước, quốc tế

Đam mê kinh doanh được đánh giá là "chìa khóa" giúp người làm kinh doanh nói chung và doanh nhân nữ nói riêng có được thành công. Theo đó, bên cạnh tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nhân nữ phát triển thì khơi dậy đam mê, khát vọng kinh doanh cho phụ nữ cũng nhằm tăng sức đóng góp của phụ nữ vào tăng trưởng kinh tế.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Nghị quyết số 9-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được thực hiện trong 10 năm qua đã có những kết quả đáng tự hào, khẳng định tính hiệu quả của Nghị quyết với các chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng về vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đi vào cuộc sống. Từ đó góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, kể cả trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã.

Nổi bật là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp có bước chuyển biến tích cực. Vai trò, vị trí của doanh nhân đã được khẳng định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) và các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII;

Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong những năm qua được đánh giá là đã có sự cải thiện rõ rệt. Vị thế của Việt Nam trong các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế đang dần được nâng cao, hầu hết đều thuộc vào nhóm nửa trên - một nửa số quốc gia và nền kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt trên thế giới và đang dần chứng tỏ có thể là đối thủ tiềm năng khi đối chiếu với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, theo báo cáo PCI có xu hướng cải thiện.

Hệ thống luật pháp đã từng bước được cải thiện, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và thể hiện thực chất hơn về "quyền tự do kinh doanh", nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, minh bạch về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh.

Doanh nghiệp phát triển nhanh về số lượng, tăng về quy mô; sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu uy tín, một số sản phẩm đã có thương hiệu ở phạm vi quốc tế; trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội, đối với người lao động ngày càng cao.

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam - Ảnh 3.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, kể cả trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã.

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết số 9-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TƯ Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai Nghị quyết trong thực tiễn vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần được tiếp tục cải thiện hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ doanh nhân. Trong đó, có thể kể đến như:

- Việc cụ thể hóa, thể chế hóa một số đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm, việc xây dựng và triển khai thực hiện một số văn bản, đề án thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về một số lĩnh vực còn chưa đạt so với yêu cầu.

- Hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn chứa đựng nhiều điểm hạn chế, vướng mắc và cản trở phần nào quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh vẫn còn có điểm mâu thuẫn, chồng chéo khiến cho quy trình thực hiện đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc.

- Năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều khía cạnh hạn chế, quá trình cải thiện còn kém ổn định và bền vững, vẫn ở mức trung bình so với ASEAN và thế giới, chưa đạt mục tiêu lọt vào nhóm 3-4 của ASEAN.

- Phát triển trong một số lĩnh vực của nền kinh tế chưa đồng bộ, chưa bền vững, khả năng dự báo chưa cao. Quy định pháp luật trong một số trường hợp chưa phù hợp và theo kịp với tình hình thực tiễn biến chuyển nhanh chóng, phát sinh nhiều vấn đề mới, khó dự báo, chưa có tiền lệ.

- Việc khơi dậy, phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam chưa được quan tâm tương xứng, văn hóa kinh doanh chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Những vấn đề còn tồn tại trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 9-NQ/TW đã được Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 9-NQ/TW tiếp thu, ghi nhận, để đề ra các giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn tiếp theo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn