Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã hải sản với 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao

22:58 | 03/11/2022;
Làm kinh tế để phát triển quê hương, xây dựng nông thôn mới, chị Đào Thị Tám (SN 1970) đã phát huy thế mạnh của quê hương vùng biển Quảng Bình với việc xây dựng thương hiệu hợp tác xã (HTX) kiểu mới, kinh doanh sản phẩm hải sản.

Không chỉ làm giàu cho bản thân mà mô hình của chị còn tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ chế biến thuỷ sản Long Tám do chị Tám quản lý, thuộc địa bàn Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Nhận thấy thị trường rộng lớn của mặt hàng hải sản khô và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí quan trọng để đáp ứng với sự thông thái của người tiêu dùng, chị Tám cùng một số hội viên, phụ nữ xã Bảo Ninh đã quyết định chọn nghề truyền thống của quê hương - nghề chế biến hải sản để phát triển kinh tế.

Phát triển quê hương từ mô hình kinh tế hợp tác xã hải sản - Ảnh 1.

Chị Tám cùng một số hội viên, phụ nữ đã chọn nghề truyền thống của quê hương để phát triển kinh tế

Được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền và Hội đoàn thể các cấp, chị Tám được đi tham quan học hỏi cách làm các mô hình kinh tế ở các tỉnh bạn, tham gia hoc nghề về kỹ thuật chế biến các loại hải sản của các vùng miền, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật khác do tỉnh, thành phố, xã tổ chức. Bên cạnh đó, các hội viên còn thường xuyên học hỏi thêm từ các hộ gia đình khác có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất, chế biến nghề truyên thống.

Đến nay, số thành viên tham gia vào HTX là 9 người, đều là các chị có tâm huyết với nghề, có kinh nghiệm trong sản xuất chế biến hải sản, sẵn sàng sẽ kinh nghiệm cho các lao động khác.

Để tiết kiệm thời gian, sức lao động, HTX đã đầu tư mở rộng diện tích xây dựng 4 lò sấy, 2 kho đông lạnh, 2 nhà xưởng sản xuất 700m2, đầu tư 2 bể chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời và một số cơ sở vật chất để rút ngắn công đoạn chế biến và bảo quản sản phẩm, tuyển thêm các lao động nữ.

Từ thành công ban đầu của mô hình HTX, sản lượng cá, mực khô, tôm khô các loại đã tăng lên đáng kể. Các sản phẩm của HTX đa dạng về chủng loại, phân các loại chất lượng khác nhau, tạo cho người tiêu dùng có được nhiều lựa chọn. Từ đó, uy tín và thị trường của HTX đã được nhiều nơi biết đến và đã ký kết hợp đồng phân phối hàng hải sản lâu dài.

Đến đầu năm 2020, được sự khuyến khích và hổ trợ của UBND xã, Hội LHPN xã Bảo Ninh, chị Tám cùng các thành viên đã mạnh dạn xây dựng bộ hồ sơ tham gia sản phẩm OCOP với 2 sản phẩm đặc trưng mang đậm truyền thống quê hương làng biển Bảo Ninh là Nước mắm và mực khô.

Phát triển quê hương từ mô hình kinh tế hợp tác xã hải sản - Ảnh 4.

HTX của chị Tám có 2 sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là nước mắm và mực khô

Với việc duy trì việc chế biến nước mắm, sản xuất chế biến các mặt hàng hải sản như: các loại cá khô, cá cơm, cá nục, mực ống, nước mắm, ruốc khô, ruốc quyết, tôm khô,... hằng năm, HTX đã xuất ra thị trường khoảng 150 tấn cá, mực, tôm khô các loại, 12.000 lít nước mắm, cho doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm, thu lãi được hơn 750 triệu đồng/năm. Đội ngũ lao động làm việc thường xuyên từ 20 - 30 người với mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.

"HTX Long Tám là tổ chức kinh tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm do các thành viên tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lao động, nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho các thành viên, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động", chị Tám chia sẻ.

Với những kết quả đã đạt được, HTX Long Tám đã được UBND tỉnh, thành phố khen thưởng thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2009 - 2019. Cá nhân chị Tám được khen thưởng "Đạt thành tích sản xuất giỏi trên lĩnh vực nông nghiệp năm 2019" của Hội Nông dân tỉnh; được tặng bằng khen "Mô hình dân vận khéo toàn quốc giai đoạn 2015 -2020".

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Ninh - thông tin: Với mong muốn đóng góp vào các chỉ tiêu thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã, Hội đã vận động, tuyên truyền chị Tám xây dựng sản phẩm OCOP với 2 sản phẩm mực khô và nước mắm. Đây là những sản phẩm mang hương vị truyền thống của quê hương vùng biển từ lâu đời. Thông qua việc xây dựng thương hiệu OCOP sẽ nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm và vai trò đóng góp của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.

Theo chị Tám, so với nhiều mô hình khác trong và ngoài tỉnh thì mô hình "HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ chế biến thuỷ sản Long Tám" vẫn chưa phải là lớn nhưng thành công lớn nhất đó là vượt qua được những khó khăn của gia đình để vươn lên ngay chính trên mảnh đất của quê hương. Qua đó tiếp thêm động lực cho nhiều nông dân khác trong địa phương cùng phấn đấu vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, tránh xa các tệ nạn xã hội, có điều kiện để chăm sóc nuôi dạy con cái.

Cũng nhờ xây dựng mô hình mà bản thân các chị có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến hải sản và có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội để nâng cao nhận thức, kỹ năng để thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh, thành phố và của xã. Qua đó, xây dựng và triển khai thực hiện mô hình điển hình mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công đồng, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tỉnh Quảng Bình.

Năm 2022, chị Tám được tỉnh Quảng Bình giới thiệu tham gia Hội nghị xúc tiến thương mại tại Thái Lan và Lào và đã ký được hợp đồng cung cấp các sản phẩm hải sản đạt chất lượng OCOP của HTX.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn