Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Chủ tịch LHPN xã Nhị Quý chia sẻ về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
- Được biết, xã Nhị Quý đã đạt nông thôn mới vào năm 2019 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Xin bà cho biết đặc thù kinh tế của xã, qua đó, phụ nữ đóng vai trò gì trong đặc thù kinh tế này?
Xã có 3.025 hộ dân, trong đó có 1.667 hộ nông nghiệp, chiếm 55,1%; 463 hộ công nghiệp, chiếm 15,3%; 739 hộ dịch vụ, chiếm 24,4%; còn lại 156 hộ ngành nghề khác, chiếm 5,2%. Phụ nữ có mặt trong mọi thành phần kinh tế này.
Có thể nói, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của xã tiếp tục phát triển ổn định. Xã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao như nhãn tiêu xuồng, sầu riêng và bưởi da xanh,... vật nuôi chủ lực có lợi thế của xã là chăn nuôi heo. Trong lĩnh vực trồng trọt thì cây nhãn, cây sầu riêng và cây bưởi da xanh vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất, chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ xã đã góp phần tăng cao sản lượng nuôi, trồng, sản xuất nông nghiệp bằng nhiều mô hình kinh tế tập thể do nữ làm chủ, cũng như lực lượng lao động nữ tham gia vào sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, nhằm hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, Hội đã tạo điều kiện để chị em tham gia vào các đợt đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn. Đến nay, UBND xã đã phối hợp với ngành cấp trên mở 17 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân trong xã và hỗ trợ cho 15 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo) về con giống để chăn nuôi (dự án nuôi bò sinh sản). Từ đó, chị em có kiến thức nâng cao kỹ năng, tay nghề trong sản xuất, chăn nuôi, bán hàng sản phẩm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế.
- Được biết, chị em phụ nữ xã cũng đã tham gia vào kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nhiều ngành nghề nông thôn khác một cách tích cực. Xin bà cho biết cụ thể là gì?
Xã đã tập trung triển khai, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời triển khai kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Trên địa bàn xã có 739 cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ và 27 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực như may mặc, may gia công, xây dựng, vận tải,… tạo ra nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn xã, trong đó có nhiều lao động nữ.
- Đối với các hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo thì sao? Hội đã hỗ trợ các chính sách gì liên quan?
Khi Ban Chỉ đạo xã thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo về dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, Hội đều cử hội viên phụ nữ tham gia. Hội đã triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ giáo dục, y tế, vay vốn ưu đãi,… đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; vận động, hướng dẫn hội viên hộ nghèo thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, chúng tôi tham gia xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao của xã về tỷ lệ lao động. Cụ thể là tham gia các lớp dạy nghề cho nông dân; quy hoạch và định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ giải quyết hồ sơ xin việc, hồ sơ vay vốn sản xuất, kinh doanh…
Về tiêu chí tổ chức sản xuất, Hội hỗ trợ hội viên là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã lập phương án sản xuất kinh doanh, đăng ký tập huấn sản xuất theo chuẩn VietGAP.
Trong thời gian tới, hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân giữ vững các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Duy trì các mô hình kinh tế hiện có, đồng thời nhân rộng mô hình ra các hộ gia đình hội viên.
- Xin cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn