Đến với xã Na Mao, nhiều người không còn xa lạ với Câu lạc bộ (CLB) Sấng Coo - một CLB văn hóa, văn nghệ đặc trưng của người đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. CLB đang nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ trang phục, sách vở, tiếng nói, điệu múa, lễ hội…
Khi mới thành lập vào năm 2017, CLB chỉ có 22 thành viên là người lớn và 4 cháu nhỏ. Sau này, đồng bào hiểu hơn về việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mình nên tham gia nhiều hơn. Hiện nay CLB đã có 70 thành viên. Người nhiều tuổi nhất năm nay đã 90 tuổi, còn trẻ nhất là 5 tuổi. Khi xã đạt chuẩn Nông thôn mới đã bố trí cho CLB được sinh hoạt tại nhà văn hóa xóm và trưng bày các vật dụng truyền thống ở nơi đây.
Bà Trần Thị Án, Chủ nhiệm CLB Sấng Coo cho biết, để thế hệ con cháu không quên văn hóa dân tộc mình, các bà, các cô trong CLB đã tổ chức nhiều lớp dạy hè cho trẻ em. "Hè bà con tập trung các cháu đến để được dạy hát, múa, may trang phục. Ngày 20 âm lịch hàng tháng thì CLB tổ chức sinh hoạt với bà con và có nhiều hoạt động văn hóa khác nhau", bà Án cho biết.
Trong các giá trị văn hóa của dân tộc, khôi phục trang phục truyền thống là vấn đề được CLB quan tâm hàng đầu. Theo bà Án, các thành viên thường phải lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để lấy củ nâu về nhuộm vải theo cách thủ công. Trang phục truyền thống của người Sán Chay có 3 màu chủ đạo là nâu, chàm, đen. Để ra được màu chàm phải lấy lá câu rừng và phối kết hợp nhiều loại mới cho ra màu chàm. Công việc này khá vất vả,
Với lễ hội của người Sán Chay phải kể đến lễ hội đầu năm, tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên 3 năm đồng bào mới tổ chức được 1 lần. Tất cả kinh phí đều do bà con đóng góp và con em người Sán Chay công tác xa gửi về ủng hộ cho CLB.
"Thanh niên bây giờ đều rời quê hương đi làm ở các công ty, khu công nghiệp nên không mấy khi tham gia lễ hội. Vì vậy, việc lan tỏa tinh thần lễ hội là rất khó. Hiện tại chỉ có trẻ em và phụ nữ là tham gia nhiều nhất", bà Án trăn trở.
Và hơn thế nữa, theo bà Án, điều đáng lo ngại lớn nhất đó chính là tiếng dân tộc Sán Chay đang dần bị mai một. Thời bây giờ phải dạy con cháu nói tiếng "mẹ đẻ" như dạy học ngoại ngữ bởi các cháu nhỏ không nói tiếng Sán Chay nữa.
Chỉ còn điệu hát Sấng Coo là được bà con yêu thích và hát nhiều. Sấng Coo hay còn gọi là hát đối, là nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chay và Cao Lan ở xã Na Mao. Cuộc sống hiện đại với guồng quay cơm áo cùng sự du nhập của nhiều loại hình văn hóa đã đẩy làn điệu Sấng Coo cổ xưa vào những hoài niệm. Đến khi CLB Sấng Coo được thành lập, những câu hát Sấng Coo lại được đánh thức, ngân vang khắp xóm làng. Ngoài những khi tập luyện để đi giao lưu, biểu diễn, định kỳ hằng tuần, các thành viên CLB tập trung tại Nhà văn hóa xóm để cùng ngân những câu hát Sấng Coo xưa.
Bên cạnh đó, để truyền dạy lại làn điệu Sấng Coo cũng còn nhiều gian nan bởi không có kinh phí để tổ chức truyền dạy. Bà Án nói: "Có những trẻ tham gia CLB từ bé nhưng khi bắt đầu học cấp 3 thì rời đi, không biết có còn nhớ những làn điều ấy?".
Gian nan là thế, nhưng bà Án cũng các thành viên gạo cội của CLB vẫn miệt mài chỉ dạy lớp kế cận. Từ làn điệu, văn hóa đến trang phục dân tộc, tiếng nói… đều là những nét đặc trưng quý giá của người dân tộc Sán Chay. CLB mong muốn được góp phần làm thức dậy nét văn hóa dân tộc Sán Chay đã bị "ngủ quên" từ lâu ở Na Mao, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc riêng của cộng đồng người Sán Chay.
CLB Sấng Coo đã được Sở Văn hóa tỉnh Thái Nguyên khen thưởng trong phong trào phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, được Ban Dân vận Tỉnh ủy ghi nhận là mô hình dân vận khéo. Tại Đại hội đại biểu Các dân tộc thiểu số huyện Đại Từ, CLB đã vinh dự được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn