Theo Korea Herald, phụ nữ và bác sĩ Hàn Quốc vẫn phải dò dẫm trong "vùng nước âm u" của pháp lý khi nói đến phá thai, dù hành động này đã không còn phi pháp được hơn 1 năm.
Luật cấm phá thai kéo dài gần 70 năm tại Hàn Quốc đã bị tuyên bố là vi hiến vào tháng 4/2019, tuy nhiên Quốc hội Hàn Quốc đã không kịp sửa luật để phản ánh thay đổi này trước hạn chót ngày cuối cùng năm 2020.
Tức là, từ thời điểm 1/1/2021, phá thai không còn là phạm tội ở đất nước Đông Bắc Á. Tuy nhiên, việc thiếu các điều luật hướng dẫn thực hành hoạt động này đang hạn chế quyền tiếp cận của phụ nữ.
Trong một cuộc họp kín gần đây, một quan chức của Bộ Phúc lợi Y tế Hàn Quốc đã miêu tả phá thai là "chẳng hợp pháp cũng không phi pháp" tại nước này.
Những điều luật làm nền tảng cho việc trừng phạt hành động phá thai đã đi vào lịch sử, nhưng các bác sĩ vẫn có thể bị phạt khi nhận một số ca phá thai. Theo Jeong Hyeon-seok, một luật sư chuyên về luật chăm sóc sức khỏe: "Chúng ta gần như đang ở trong một luyện ngục".
"Tất cả các thực hành y tế tại Hàn Quốc được quy định bởi cơ quan bảo hiểm sức khỏe toàn quốc. Không phải tất cả dịch vụ trong số đó đều được chi trả, nhưng chúng cần phải được công nhận và xác định rõ trong hệ thống để các bác sĩ có thể thực hiện được"- ông nói thêm.
Đạo luật Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, được ban hành vào năm 1973, nêu ra 5 trường hợp được phép phá thai. Những trường hợp đó là khi người phụ nữ mang thai hoặc người bạn đời của họ bị khuyết tật hoặc bệnh tật di truyền; khi mang thai do hiếp dâm, loạn luân; và khi tiếp tục mang thai sẽ gây ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho người phụ nữ.
"Phá thai được thực hiện vì bất kỳ lý do nào khác cấu thành các hoạt động y tế không được quy định, vi phạm luật bảo hiểm y tế quốc gia", Jeong nói. Ông cho biết mặc dù khó xảy ra nhưng nếu bị phát hiện, các bác sĩ có thể bị áp dụng các biện pháp hành chính.
Theo bác sĩ Kim Dong-suk, một chuyên gia sản phụ khoa ở Seoul, mặc dù không còn bất hợp pháp, các dịch vụ phá thai vẫn được cung cấp một cách bí mật.
Ông nói: "Bạn sẽ không tìm thấy các phòng khám quảng cáo hoặc thậm chí công khai thừa nhận rằng họ cung cấp dịch vụ phá thai".
Kim cho biết điều này là do sự kết hợp của ranh giới pháp lý không rõ ràng và lo sợ bị chỉ trích. "Các cá nhân hoặc nhóm chống lại việc phá thai có thể tẩy chay hoặc đe dọa các phòng khám cung cấp dịch vụ này".
Một bác sĩ sản phụ khoa khác ở Seoul muốn giấu tên cho biết trong hơn 2 thập kỷ hành nghề của mình, ông đã thấy nhu cầu phá thai giảm từng năm một.
Ông nói: "Tôi hiếm khi thấy bệnh nhân tìm cách phá thai, và đây đã là xu hướng trong nhiều năm".
Tuy nhiên, ông nhận thấy ngày càng nhiều câu chuyện về những phụ nữ bị tổn thương sau khi tự ý uống thuốc phá thai xuất hiện trên báo đài. Thuốc phá thai cũng là bất hợp pháp và không được chấp thuận ở Hàn.
Ông nói: "Thuốc phá thai nên được bác sĩ kê đơn sau khi siêu âm hoặc có các kiểm tra khác để đảm bảo an toàn". Giải thích về hiện tượng ngày càng nhiều phụ nữ chọn những phương pháp rủi ro, ông cho rằng đây là sự kết hợp của sự thiếu vắng về hướng dẫn an toàn, chính thức trong chăm sóc sức khỏe và cung cấp thông tin.
Hầu hết các cuộc khảo sát chỉ ra rằng internet là nơi phụ nữ chủ yếu tìm kiếm thông tin về phá thai - từ cách tìm nhà cung cấp dịch vụ cho đến chi phí.
Thuốc uống mifepristone và misoprostol đã chờ Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt hơn 7 tháng nay. Vào năm 2019, cơ quan trên cũng đã đệ đơn chặn truy cập trong nước đối với Women on Web, một tổ chức phi lợi nhuận của Canada giúp phụ nữ tiếp cận thuốc phá thai.
Báo cáo mới nhất của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ, lưu ý rằng trong 3 năm gần đây, tình trạng phá thai bằng thuốc có vẻ đã gia tăng. Cuộc khảo sát năm ngoái cho thấy 9,8% phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi từng phá thai nói rằng họ đã thử dùng thuốc phá thai, đánh dấu mức tăng nhẹ từ 8,3% vào năm 2018.
Tiến sĩ Choi Anna, người đứng đầu cơ quan đặc biệt của Hiệp hội Sản phụ khoa Hàn Quốc về luật phá thai, cho biết bối cảnh phá thai ở Hàn Quốc đang phải đối mặt với điều mà bà gọi là "khoảng trống pháp lý".
"Nói rằng lệnh cấm phá thai đã hoàn toàn bị bãi bỏ ở Hàn Quốc là không chính xác" bà nói. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp có thể khiến các bác sĩ và phụ nữ không bị trừng phạt, nhưng tất cả các luật hạn chế phá thai vẫn còn đó trong Đạo luật Hình sự cũng như Đạo luật Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em.
Dù vậy, sự thật là phá thai vẫn đang ngày càng hiếm ở quốc gia đang đối mặt nạn già hóa dân số.
Báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho thấy số ca phá thai bằng phẫu thuật ước tính đã giảm đáng kể từ 241.411 ca năm 2008 xuống còn 23.175 ca vào năm 2018.
Theo Choi, có một số lý do giải thích cho sự sụt giảm số ca phá thai ở Hàn Quốc. Trong những năm 1970 và 80, chính phủ khuyến khích phá thai trong chiến dịch giảm tỷ lệ sinh. Bà nói: "Hồi đó, chính phủ nói giảm nói tránh rằng phá thai là một 'quy trình điều chỉnh kinh nguyệt'". Sau đó, phá thai chọn lọc giới tính vẫn còn phổ biến ở Hàn Quốc trong những năm 1990.
Bà nói: "Hiện nay số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng ít hơn rất nhiều. Khả năng tiếp cận cao của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc khiến phụ nữ dễ dàng có biện pháp tránh thai hơn và cho phép họ phát hiện sớm việc mang thai".
Theo thống kê của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, hơn 90% ca phá thai ở Hàn Quốc được thực hiện trước hoặc trong khi mang thai 10 tuần. Trung bình, các ca phá thai được thực hiện khi thai được 6 tuần tuổi.
Kim Seon-taek, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Hàn Quốc, cho biết không giống như tòa án, các nhà lập pháp có thể "ít có xu hướng hành động hơn đối với một vấn đề gây tranh cãi".
Cuối cùng, luật sư Jeong chỉ trích quốc hội tắc trách trong việc xây dựng các bộ luật liên quan đến phá thai và có thể khiến cả phụ nữ lẫn các bác sĩ gặp nhiều rủi ro khôn lường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn